vĐồng tin tức tài chính 365

Hợp thức hóa mua bán tạng bằng nhiều mánh khóe tinh vi

2021-03-23 08:58

“Có người quỳ dưới chân tôi xin được bán quả thận trái vì đang bị đòi nợ, nếu không tụi nó sẽ giết chết” - GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam (VN), chia sẻ một câu chuyện có thật tại hội thảo về tăng cường nguồn hiến, mô bộ phận cơ thể người diễn ra tại TP.HCM ngày 22-3.

Hợp thức hóa mua bán tạng bằng nhiều mánh khóe tinh vi - ảnh 1
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sao y giả và xác nhận của địa phương nơi hai người xưng là vợ chồng đăng ký kết hôn.

Lách luật bằng “du lịch ghép tạng”

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, hiến ghép tạng là hoạt động nhân đạo nhưng không ít người hiểu nhầm méo mó chỉ có bỏ tiền ra mới có tạng và không loại trừ những đối tượng biết mua bán tạng là việc làm vi phạm pháp luật nhưng vẫn nhắm mắt cho qua và trở thành đồng phạm.

GS-TS Trần Ngọc Sinh trình bày sau 29 năm, VN đã đạt thành tích ghép đủ các nội tạng và bộ phận như thế giới đang làm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng mua bán mô, bộ phận cơ thể người và ghép tạng du lịch.

Pháp luật VN quy định cấm mua bán tạng nhưng người nước ngoài tới VN thì không bị luật điều phối. Chẳng hạn, một người nước ngoài đưa người sang VN thực hiện ghép tạng, dù biết rõ đây là ca mua bán tạng qua hình thức du lịch nhưng các bác sĩ vẫn thực hiện vì chưa có luật cấm đối với người nước ngoài. Tương tự, nhiều người VN đã chấp nhận ra nước ngoài đi du lịch nhưng thực chất là mua và ghép tạng nơi đất khách. Nhiều nơi đã bất chấp ghép cho người bệnh, “sống chết tính sau”.

Ở VN, dù luật ghép mô tạng và luật hình sự đã quy định rõ không được buôn bán tạng, thậm chí phạt tù nhưng hiện tượng này vẫn đang tồn tại và ngày càng tinh vi để qua mắt cơ sở y tế.

BS Sinh dẫn chứng thực trạng làm giả giấy tờ để qua mặt cơ sở y tế bị phát hiện nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì không loại trừ nhiều trường hợp qua mặt trót lọt. Ông kể mới đây Trung tâm ghép tạng của BV ĐH Y Dược TP.HCM Cơ sở 1 phát hiện có đến hai, ba trường hợp giả mạo giấy tờ chứng minh là người thân để cho thận nhưng thực chất là mua bán.

“Hai người xưng là vợ chồng, trưng ra giấy tờ kết hôn và từng phá thai nhưng khi nhân viên phòng công tác xã hội đi thẩm tra lại thì phát hiện mỗi tháng người phụ nữ đưa cho người đàn ông kia 20 triệu để đi tới đi lui ghép thận” - GS-TS Trần Ngọc Sinh kể.

Chưa dừng lại, cặp vợ chồng sau đó còn sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục đăng ký hiến ghép tạng. Sự việc được TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, phát hiện nhờ từng nghe kể về trường hợp này khi tham dự hội thảo hiến ghép tạng ở BV ĐH Y Dược TP.HCM. “Sau đó, kết quả thẩm tra từ UBND địa phương nơi cặp vợ chồng đăng ký kết hôn là giả, không có trong sổ hộ tịch nên chúng tôi đã chuyển cơ quan công an làm việc tiếp” - BS Thu nói.

Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua có nhiều đối tượng cò mua bán thận đã bị phát hiện và xử lý nhưng vẫn chưa “khui” tới tận gốc đường dây tiếp tay cho cò mua bán thận, không loại trừ là người trong ngành y tế.

Hợp thức hóa mua bán tạng bằng nhiều mánh khóe tinh vi - ảnh 2
Ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 
Ảnh: BVCC

5.587

Là số người đã được ghép tạng tại VN từ năm 1992. Trong đó, thận được ghép nhiều nhất với 5.255 ca. Hiện có bảy người đã thực hiện hiến tạng khi còn sống.

Tính đến ngày 31-12-2020, toàn quốc có 40.257 người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. Có 100 người đăng ký hiến tạng khi còn sống tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. 

Minh bạch thông tin người đăng ký hiến, ghép tạng

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, để chấm dứt tình trạng mua bán tạng cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ và chế tài kèm theo thật nặng mới đủ tính răn đe.

GS-TS Trần Ngọc Sinh lấy dẫn chứng ở Thái Lan, luật không chỉ xử phạt người mua, người bán mà cả bác sĩ lấy tạng và thực hiện ghép cũng bị xử phạt nặng, tước bằng vĩnh viễn. Bên cạnh đó cần xúc tiến phần mềm điều hành đăng ký và điều phối mô tạng, bộ phận cơ thể người, có thông tin tra cứu rõ ràng, minh bạch.

ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho rằng thực trạng mua bán tạng xuất phát từ số người hiến quá ít. Bên cạnh đó, điều kiện hạn chế về y tế cũng là rào cản để tiếp nhận nhiều hơn số lượng tạng hiến. Nhiều cơ sở y tế còn chưa thành lập hội đồng đánh giá chết não, vẫn còn tình trạng mỗi đơn vị có ca ghép phải xin Bộ Y tế hoặc ghép cho người không có tên trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia.

“Cần xác định rõ tạng hiến là tài sản quốc gia mới đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Mỗi cơ sở cần thoát ý nghĩ tạng hiến do mình vận động nên tự quyết định mà chưa hiểu có tạng hiến là sự hợp lực của cả hệ thống chính sách, truyền thông... Những trường hợp không có tên trong danh sách chờ ghép là không đúng quy định” - ThS Phúc nêu.

Bên cạnh đó, ThS Phúc cũng đề nghị cần xây dựng cơ chế tài chính cho các hoạt động điều phối, chẩn đoán chết não, hồi sức cho bệnh nhân chết não, vận chuyển mô tạng...

ThS-BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm tim mạch BV Trung ương Huế, đồng tình khâu điều phối tạng ghép và người chờ ghép phải minh bạch và cần luật hóa tất cả bệnh nhân muốn ghép tạng phải đăng ký qua Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nếu không có trong danh sách này là phạm luật.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng hiện nay VN đã làm chủ phần lớn các kỹ thuật ghép tạng và các bộ phận cơ thể người nhưng số lượng người được ghép còn quá ít. Mỗi năm VN có đến khoảng 10.000 người bị tai nạn giao thông tử vong, số người tiềm năng cho tạng còn rất nhiều nhưng chưa được tận dụng tốt. Vì thế, các đơn vị cần nghiên cứu, tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Hiến ghép tạng sẽ trình Quốc hội trong năm 2022 như xem lại độ tuổi có thể hiến tạng, giảm bớt thủ tục, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người chết não được hiến tạng...

Có tình trạng cơ sở y tế biết nhưng nhắm mắt cho qua

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng thực trạng mua bán tạng dù là vấn đề nhạy cảm nhưng không thể né tránh được. Thỉnh thoảng các cơ quan điều tra khởi tố các vụ án mua bán tạng nhưng chưa có thống kê số liệu cụ thể.

Ông Quang khẳng định tạng ghép không như các loại hàng hóa thông thường khác, không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Quang, chưa thể khẳng định việc mua bán tạng có tiếp tay từ các cơ sở khám chữa bệnh hay không vì còn liên quan đến vấn đề pháp lý, hồ sơ giả, bị đánh lừa... nhưng ông cho rằng có tình trạng cơ sở biết nhưng nhắm mắt cho qua, hình thành đường dây tay ba với người mua và người bán. 

Xem thêm: lmth.811479-iv-hnit-eohk-hnam-ueihn-gnab-gnat-nab-aum-aoh-cuht-poh/eohk-cus/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hợp thức hóa mua bán tạng bằng nhiều mánh khóe tinh vi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools