Điểm tuyển sinh, thi kết thúc môn chương trình văn bằng 2 từ xa, trực tuyến của ĐH Thái Nguyên tại Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: M.G.
"Sinh viên thi 3, 4 điểm cũng qua môn nếu làm hết bài tập, tính điểm chuyên cần. 40 câu có thể biết hơn 10 câu, còn lại đánh lụi cũng qua.
Nhân viên tư vấn
"Bạn đang muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ? Bạn đang muốn bổ sung bằng cấp bằng tiếng Anh nhưng đang đi làm không sắp xếp được thời gian cũng như khoảng cách đi lại bất tiện? Hãy đến với chương trình cử nhân văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của ĐH Thái Nguyên. Chương trình với những ưu điểm xét tuyển hồ sơ, không phải thi đầu vào, học xen giữa online trực tuyến và trực tiếp. Bằng có giá trị để học lên các học vị cao hơn cùng chuyên ngành, xét đầu vào học thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, xét nâng bậc lương, nâng ngạch...".
Đây là thông tin tuyển sinh chương trình cử nhân văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của một đơn vị giới thiệu là "trạm đào tạo từ xa" của ĐH Thái Nguyên tại TP.HCM.
Sẽ hỗ trợ để thi cử
Từ những quảng cáo, chúng tôi đến địa chỉ số 6 Phan Đình Giót, Q.Tân Bình, TP.HCM, địa điểm của Trường trung cấp nghề Nhân lực quốc tế để tìm hiểu thêm. Theo nhân viên tư vấn, đây là chương trình văn bằng 2 nhưng do học viên đều là người đã đi làm nên tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến, chỉ tập trung thi kết thúc môn. Với người học khả năng tiếng Anh không tốt, sợ không hoàn thành chương trình, nhân viên trấn an cứ yên tâm. Giảng viên và trường sẽ hỗ trợ về học liệu để thi cử. Học phí 280.000 đồng/tín chỉ, khoảng 5 triệu đồng/học kỳ.
Một đơn vị khác cũng thông báo tuyển sinh chương trình ĐH trực tuyến của ĐH Thái Nguyên tại TP.HCM, trong đó có ngành ngôn ngữ Anh. Chúng tôi liên hệ và được gửi thông tin chi tiết về thủ tục xét tuyển, học cũng như cấp bằng tốt nghiệp. Thí sinh phải nộp hồ sơ kèm học phí.
Cũng rầm rộ tuyển sinh các chương trình ĐH từ xa, trực tuyến là một trung tâm tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Nơi đây từng liên kết tuyển sinh với năm trường ĐH khác nhau, hiện đang nhận hồ sơ cử nhân cho ĐH Thái Nguyên, ĐH Mở Hà Nội với nhiều ngành khác nhau. Tìm hiểu chương trình cử nhân ngôn ngữ Anh, chúng tôi được một nhân viên tư vấn khá cặn kẽ.
Theo nhân viên này, đây là chương trình cấp bằng thứ 2 với thời gian học từ 18-24 tháng tùy bằng cấp của người học. "Ở đây có chương trình của Trường ĐH Mở Hà Nội và ĐH Thái Nguyên. Học phí ĐH Mở Hà Nội rẻ hơn 340.000 đồng/tín chỉ, ĐH Thái Nguyên 450.000 đồng/tín chỉ. Tùy người học muốn đăng ký cái nào. Ngày 11-4 sẽ khai giảng khóa 15 và là khóa đầu tiên năm 2021. Từ 1-4 sẽ mở chương trình cho sinh viên học trước" - nhân viên nói.
Chỉ xét đầu vào, xét đầu ra
Với lý do cần có bằng cử nhân ngôn ngữ Anh để hoàn thành đầu ra chương trình thạc sĩ thay cho chứng chỉ IELTS, TOEIC, chúng tôi được nhân viên trấn an học bằng cử nhân ngôn ngữ Anh khỏe hơn, lại có giá trị vĩnh viễn. Chương trình chỉ xét tuyển hồ sơ đầu vào, xét đầu ra, làm đề án tốt nghiệp. Một năm có ba học kỳ, quy định giờ lên lớp.
"Một môn có sáu bài tập. Trong đó có ba bài bắt buộc, ba bài còn lại không làm vẫn được thi, nhưng nếu làm sẽ được tính điểm chuyên cần. Ba bài bắt buộc có thể làm ba lần, chưa đạt như mong muốn có thể làm lại để có điểm cao hơn" - nhân viên tư vấn cho biết.
Liệu có thể nhờ người làm giúp bài tập ở nhà không? Nhân viên nói giảng viên chỉ tương tác với sinh viên qua máy tính, điện thoại. Học giùm thì không nên, còn nhờ người khác hỗ trợ thì hoàn toàn có thể. Ngoài ra, sinh viên cần học và làm bài tập đầy đủ để có điểm quá trình.
Nhân viên nói thêm thi kết thúc môn diễn trong một ngày, chủ yếu trắc nghiệm. Khoảng 60% nội dung bài thi có trong bài học, bài tập đã làm. 40% còn lại hỏi những câu không liên quan để sinh viên tự trả lời.
"ĐH Thái Nguyên hay ĐH Mở Hà Nội cũng từng ấy con người ở đây coi thi thôi, chương trình như nhau. Người thi 7, 8, 9 điểm bình thường. Thi kết thúc môn nếu nói khó thì không phải quá khó, giám thị không quá khắt khe. Trừ trường hợp sinh viên sử dụng điện thoại thì cán bộ coi thi nhắc gắt gao, những cái khác chỉ nhắc nhẹ nhàng. Sinh viên thi 3, 4 điểm cũng qua môn nếu làm hết bài tập, tính điểm chuyên cần. 40 câu có thể biết hơn 10 câu, còn lại đánh lụi cũng qua. Nếu học đúng quy định, bám sát chương trình thường tốt nghiệp trung bình khá. Sinh viên chưa có trường hợp nào không tốt nghiệp, trừ trường hợp bỏ học, bỏ môn" - nhân viên nói thêm.
"Không giao hoàn toàn cho các trạm"
Chúng tôi liên hệ với ông Trương Tiến Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội - để tìm hiểu thêm về việc đào tạo từ xa của trường. Ông Tùng giới thiệu chúng tôi trao đổi với ông Đỗ Ngọc Anh - phụ trách truyền thông.
Trao đổi những nội dung chúng tôi được trạm đào tạo của trường tại TP.HCM tư vấn, ông Ngọc Anh nói việc tổ chức thi kết thúc môn ở các trạm từ xa trường đều bố trí cán bộ của trường tham gia chứ không phải giao hoàn toàn cho các trạm thực hiện. "Có thể vì chỉ tiêu mà một số nơi tư vấn tuyển sinh chưa chuẩn, phát ngôn không đúng với chủ trương của trường. Việc vào học bao nhiêu, trừ bỏ học, bỏ môn đều được tốt nghiệp là không đúng. Tỉ lệ tốt nghiệp của sinh viên từ xa của trường khoảng 70%" - ông Anh nói.
Về vấn đề chuẩn đào tạo hệ từ xa liệu có thấp hơn, được trường du di hơn so với hệ chính quy (nhờ người khác làm bài tập ở nhà không kiểm soát được, thi cử...), ông Ngọc Anh khẳng định chuẩn đào tạo các hệ của trường đều như nhau, chỉ có phương thức đào tạo khác nhau. Do đó hoàn toàn không có việc hạ chuẩn đối với hệ từ xa. Việc đánh giá sinh viên dựa vào tiến độ, tham gia học tập, chuyên cần và thi kết thúc môn. Trong đó, việc làm bài tập chỉ là một phần trong quá trình đánh giá, sinh viên làm càng nhiều sẽ học được nhiều hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Công - phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, giám đốc Trung tâm đào tạo từ xa ĐH Thái Nguyên - cho biết tỉ lệ sinh viên hệ từ xa tốt nghiệp từ 75-80% chứ không phải vào bao nhiêu ra bấy nhiêu như tư vấn. Bên cạnh đó, mỗi đợt thi đều có người của trường tham gia tại các trạm từ xa chứ không phải chỉ có nhân viên của trạm. "Có thể vì lý do nào đó, việc tư vấn tuyển sinh đầu vào của nhân viên chưa chính xác. Hiện nay chuẩn chương trình đào tạo các hệ của trường cơ bản như nhau" - ông Nguyễn Hữu Công nói thêm.
Trường làm khó, sinh viên... bỏ học
Một trạm đào tạo từ xa của ĐH Mở Hà Nội tại TP.HCM - Ảnh: M.G.
Chia sẻ thêm về việc đào tạo ĐH từ xa, trực tuyến, nhân viên tư vấn cho biết trước đây có làm với năm trường ĐH khác nhau nhưng có một số trường làm khó, sinh viên rớt, bỏ học nhiều nên không làm nữa.
"Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Mở TP.HCM làm chất lượng nên rất khó. Trước đây một số sinh viên học từ xa của Trường ĐH Mở TP.HCM nhưng khó quá, bỏ học và chuyển qua Trường ĐH Mở Hà Nội. Như vậy mất thời gian, tiền bạc nên sau này tôi tư vấn ngay từ đầu nên chọn Trường ĐH Mở Hà Nội" - nhân viên chia sẻ.
Giá trị vĩnh viễn
Nắm bắt tâm lý người học, nhiều trạm đào tạo nhấn mạnh ưu điểm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh được Bộ GD-ĐT công nhận có thể thay thế chứng chỉ B1, B2... và có giá trị vĩnh viễn. Và một trong những điểm nhấn khác được nhiều trạm đưa ra để tuyển sinh là theo quy định từ ngày 1-3, bằng tốt nghiệp không ghi hình thức đào tạo. Do đó, bằng ĐH không còn phân biệt từ xa, trực tuyến, vừa làm vừa học hay chính quy như trước đây.
TTO - Nhiều ý kiến kiến nghị nên hạn chế dần, tiến tới xóa bỏ hệ đào tạo không chính quy trong giáo dục đại học để tập trung đào tạo chính quy.
Xem thêm: mth.85814048032301202-ax-ut-coh-iad-oat-oad-mart-oahn-tab/nv.ertiout