Từ Bắc tới Nam, từ thành thị tới nông thôn, nhiều nơi đang xảy ra tình trạng sốt đất, có nơi giá đất "dựng đứng", "cò" tung hoành khiến tình hình địa phương rối loạn. Một điểm chung ở các địa phương này là sự vào cuộc xử lý, ngăn chặn những cơn "sốt ảo" đất đai này của chính quyền rất chậm trễ, góc nhìn báo Nông thôn Ngày nay.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn thấy rõ, độ rủi ro quá lớn, rất nhiều người đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Trong khi đó, cơ quan quản lý của địa phương chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động, không có giải pháp gì chủ động.
Nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng sốt đất, có nơi giá đất "tăng dựng đứng". (Ảnh: PLO)
Bên cạnh việc gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương để sốt đất, ở góc độ pháp luật, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng cần hình sự hóa các hành vi "thổi giá" bất động sản. Những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân.
Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đến khi câu chuyện "thổi giá" đất vẫn là đáng nói, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn "nợ" người dân một giải pháp.
Món nợ của logistics với nông sản
Tiếp tục với một "món nợ" khác được tờ Kinh doanh sáng nay (23/3) thông tin, đó là món nợ của ngành logistics với nông sản, đặc biệt là nông sản ở ĐBSCL.
Theo phân tích, mặc dù có khoảng hơn 120 nhà máy sản xuất và chế biến các mặt hàng nông thủy sản của khu vực ĐBSCL, nhưng hiện nay toàn vùng mới chỉ có 8 kho lạnh, chủ yếu tập trung ở Long An, Cần Thơ và Hậu Giang với quy mô công suất khoảng 50.000 tấn và 93.000 pallets.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL khoảng 17 - 18 triệu tấn/năm, tuy nhiên 70% hàng hóa xuất khẩu này phải chuyển tải về các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép Thị Vải, khiến chi phí vận tải mà doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.
Cùng với đó, vận tải thủy nội địa của vùng ĐBSCL vẫn đang phải cạnh tranh khó khăn với vận tải bộ do hạ tầng hạn chế. Kết cục là chi phí logistics quá cao đang khiến những mặt hàng nông sản có tiềm năng của Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Các mạng xã hội "đốt" tiền để giành giật nhân tài sáng tạo nội dung
Nhờ chăm chỉ đăng 20 - 40 video mỗi ngày trên Snapchat, ảo thuật gia người Mỹ, Evan Alberto đã được nền tảng này trả gần 1 triệu USD. (Ảnh: CNBC)
Kiếm được 30.000 USD từ mạng xã hội Snapchat chỉ từ một video ngắn hay một khoản tiền nhỏ hơn từ quỹ hỗ trợ nhà sáng tạo của mạng xã hội TikTok. Câu chuyện về một cặp vợ chồng nghỉ hẳn công việc hàng ngày, bắt đầu tạo tài khoản chung ở mạng xã hội Instagram và sáng tạo để kiếm tiền dựa vào 400.000 người theo dõi được tờ Kinh tế Sài Gòn online chia sẻ.
Trả lời báo chí quốc tế, 2 nhân vật này cho biết họ sẽ chọn sử dụng nền tảng nào trả họ nhiều tiền nhất. Họ cũng nhắn nhủ tới những ai đang mong muốn một thành công tương tự, tạo ra những nội dung tốt, thu hút lượt xem, rồi bạn sẽ được trả tiền.
Để giành giật nhân tài sáng tạo, các mạng xã hội cũng đang có một cuộc chiến "đốt" tiền. Snapchat đang trả tổng cộng 1 triệu USD mỗi ngày cho những người dùng tạo ra các video giải trí ăn khách nhất cho Spotlight.
Tuần trước, Facebook thông báo các ngôi sao mạng xã hội sẽ được chia sẻ doanh thu quảng cáo từ tất cả các loại video đăng trên nền tảng này, bao gồm cả những video ngắn chỉ một phút. Nhà sáng tạo nội dung đang chứng minh họ là "mạch máu" của bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào.
VTV.vn - Thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt vào tháng 6 khiến giới đầu tư bất động sản đứng ngồi không yên, giá đất ven sông Hồng rập rình lên cơn sốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!