Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti ở cuộc họp báo chiều 23-3 tại Hà Nội - Ảnh: KHOA THƯ
COVAX hay cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 là sáng kiến hợp tác thành lập bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiếp cận vắc xin một cách công bằng, hiệu quả.
Hơn 4,17 triệu liều vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất đã được huy động cho Việt Nam trên tổng số 30 triệu liều được COVAX cam kết cung cấp. Việt Nam là nước thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines và Campuchia, tiếp nhận vắc xin từ cơ chế này.
Số lượng vắc xin mà Việt Nam tiếp nhận được quyết định dựa trên đề xuất của Chính phủ, sự khan hiếm của vắc xin và yêu cầu của các quốc gia khác
"Dựa trên số lượng ca nhiễm đã được ghi nhận, Việt Nam không phải là quốc gia cần vắc xin khẩn cấp", đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nói.
Phản hồi nghi ngại về các trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca tại châu Âu, đại sứ Aliberti khẳng định đặt sự an toàn của người dân và minh bạch trong điều tra lên hàng đầu.
"Bất cứ loại thuốc hay vắc xin nào đều có tiềm ẩn các nguy cơ gây ra biến chứng. Thông thường, quá trình sản xuất vắc xin phải mất 10 năm, nhưng trong trường hợp vắc xin COVID-19 chỉ mất 10 tháng.
Trong khoảng 7,7 triệu liều vắc xin đã được tiêm, có 7 ca xuất hiện đông máu, trong đó ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Tỉ lệ này là thấp và chúng tôi đang có các nhóm nghiên cứu cách xử lý đối với các biến chứng này", ông nói.
Theo đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner, sau quá trình tạm ngưng để điều tra, nước này đã nối lại chương trình tiêm chủng.
"Điều quan trọng là người được tiêm cần được theo dõi sát sao. Vắc xin phân phối miễn phí cho Việt Nam theo cơ chế COVAX cũng đang được sử dụng tại EU", đại sứ Hildner khẳng định.
Liên quan đến việc EU, ngày 23-3, đe dọa cấm xuất khẩu vắc xin AstraZeneca do chậm trễ trong việc cung ứng, đại sứ EU Aliberti khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận vắc xin của Việt Nam.
"Đây là vấn đề cấp phép xuất khẩu cho các quốc gia nằm ngoài cơ chế COVAX. Do Việt Nam là một trong 92 nước được tài trợ vắc xin theo cơ chế này, quá trình giao nhận sẽ không bị ảnh hưởng", ông Aliberti trấn an.
Theo đại sứ Đức Hildner, hiện tại vắc xin COVID-19 của AstraZeneca vẫn là sự lựa chọn duy nhất, do đây là vắc xin đầu tiên được thông qua cũng như có các ưu điểm trong việc vận chuyển, lưu trữ và bảo quản. Thời gian tới, sẽ có các vắc xin từ các nhà cung ứng khác như Moderna hay Pfizer được xem xét sử dụng cho cơ chế COVAX.
EU là nhà tài trợ đầu tiên của COVAX, đóng góp 2,62 tỉ USD, chiếm 41,5% tổng ngân sách của cơ chế này.
"Chúng tôi coi vắc xin là hàng hóa công cộng để ứng phó với đại dịch và biến chủng có nguy cơ xuất hiện. Việc phát triển vắc xin không phải là cuộc đua giữa các quốc gia, mà là cuộc đua giữa chúng ta với thời gian", đại sứ Aliberti nhấn mạnh.
Nhân viên bốc dỡ các thùng vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca, được viện trợ theo chương trình COVAX, tại Abidjan, Bờ Biển Ngà ngày 26-2 - Ảnh: AFP
Chưa có lộ trình cụ thể cho "hộ chiếu vắc xin"
EU đang trong quá trình đề xuất "Giấy chứng nhận xanh điện tử" (Digital Green Certificate) một dạng giấy thông hành xác nhận người mang đã được tiêm vắc xin COVID-19, xét nghiệm âm tính hoặc đã bình phục sau nhiễm, đại sứ Tây Ban Nha Maria Jimenez cho biết.
Đây là sáng kiến để vừa tạo sự thông thoáng cho di chuyển trong khối EU vừa đảm bảo an toàn.
"Tuy nhiên, giấy chứng nhận này chỉ đang dừng lại ở mức ý tưởng chứ chưa có lộ trình cụ thể", bà Jimenez nói.
Phản hồi về việc Việt Nam cũng đang nghiên cứu "hộ chiếu vắc xin", đại sứ Tây Ban Nha cho biết các quốc gia thành viên EU có thể sẽ xem xét phương án này có hợp lệ với cơ chế của họ hay không để quyết định sự khả thi trong việc nối lại di chuyển như bình thường.
TTO - Khi một số nước EU tăng lại số ca mắc COVID-19, giới chức châu Âu càng tức giận hơn khi AstraZeneca cung cấp đủ vắc xin cho Anh nhưng lại lùi thời hạn giao hàng cho EU.
Xem thêm: mth.872157132301202-xavoc-ehc-oc-auq-neit-uad-91-divoc-nix-cav-ol-nahn-peit-pas-man-teiv/nv.ertiout