Chiều 23-3, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ xuất quân BV dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) thay thế BV dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan.
18 người tình nguyện quay lại Nam Sudan
Thiếu tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc BVDC 2.3, cho biết BVDC 2.3 sẽ tổ chức thành hai đợt đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan bằng máy bay vận tải quân sự C17 của Bộ Quốc phòng Úc và mang theo 50 tấn lương thực, vật tư, thuốc men y tế... Đợt 1 diễn ra vào 17 giờ ngày 24-3 và đợt 2 vào ngày 21-4-2021.
Điều đặc biệt là có 18 cán bộ, nhân viên từng tham gia BV dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) đã tình nguyện quay trở lại Nam Sudan và gia nhập đội ngũ BVDC 2.3. Sự chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, sinh hoạt ở đất nước từ những người đồng nghiệp đi trước đã giúp cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 dù lần đầu tham gia nhiệm vụ có thêm nhiều tự tin.
Chia tay thủ đô Bentiu của đất nước Nam Sudan đã hơn một năm nhưng Trung úy Phan Thị Vân Huyền, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh BVDC 2.3, vẫn in sâu hình ảnh những ngày làm việc, sinh hoạt khắc nghiệt và hình ảnh những người dân chịu thương chịu khó ở nơi đây. Chính vì thế, tiếng gọi con tim đã thôi thúc Huyền đăng ký quay trở lại.
Huyền chia sẻ ấn tượng đầu tiên khi bay huấn luyện ở Juba (Nam Sudan) là hình ảnh rất xa lạ, chỉ thấy trong phim ảnh. “Khi ở trên trực thăng nhìn xuống, mình chỉ thấy toàn là sa mạc, hoang mạc, rất hiếm những ngôi nhà, mà nếu có thì cũng rất nhỏ và lụp xụp, thậm chí cũng không có đường, không có cây cối nào có thể sống được” - Huyền chia sẻ suýt bật khóc khi thấy cảnh tượng đó.
Sau đó, Huyền còn tiếp tục trải nghiệm một cuộc sống thiếu thốn, mọi thứ phải mang từ Việt Nam sang, ban ngày nắng nóng có thể lên đến 50-60 độ C, nước cũng không có, phải đi lấy nước giếng khoan ở rất xa. Mỗi cán bộ, nhân viên không chỉ tập trung chuyên môn mà còn phải làm nhiều công việc khác như trực gác, dân vận. Đặc biệt, hình ảnh những em bé ở Nam Sudan bị thương với những tấm băng gạc băng bó mất vệ sinh luôn gây ám ảnh Huyền.
“Lần thứ hai quay trở lại, tôi sẽ cố gắng chia sẻ mọi thứ mình từng trải qua từ kinh nghiệm làm việc cho đến sinh hoạt ở đất nước xa lạ cho đồng nghiệp. Sau khi trở về từ Nam Sudan, tôi nhận ra cuộc sống của mình rất may mắn và hạnh phúc, cần phải trân trọng” - Huyền bày tỏ.
Khi đóng quân tại Nam Sudan, BVDC thường được cung cấp thức ăn đông lạnh. Thời tiết nóng bức khiến thức ăn cũng rất dễ ôi thiu, ruồi thì ở đâu cũng có. Để chế biến những món ăn hợp khẩu vị nhất cho cán bộ, nhân viên của BVDC, lần thứ hai quay trở lại, Thiếu tá Đinh Minh Kỳ, bếp trưởng BVDC 2.3, tự tin mình có thể làm tốt hơn. “Anh em thường trêu đùa ước gì có một con gà ta Việt Nam để ăn. Đôi khi điều ước rất bình thường đó lại biến thành xa xỉ khi ở Nam Sudan” - Thiếu tá Kỳ nói vui.
Thiếu tá Kỳ chia sẻ lần thứ hai sang Nam Sudan, anh đã đề xuất mang sang thêm bột ngọt, bột nêm và đặc biệt là riềng. Anh Kỳ phát hiện ra món thịt dê ở Nam Sudan rất tươi, ngon, thậm chí mua ở đâu cũng có nên quyết định mang riềng sang để chế biến cho nhân viên BVDC thưởng thức cho thêm phần ngon miệng.
“Tôi hy vọng rút kinh nghiệm từ lần tham gia BVDC 2.1, tôi sẽ chế biến và đảm bảo bữa ăn cho các anh chị em được tốt hơn, cảm thấy món ăn có hương vị gần gũi nhất mặc dù điều kiện không cho phép” - Thiếu tá Kỳ kỳ vọng.
Cặp vợ chồng Thượng uý Tống Vân Anh và Trung uý Đỗ Thanh Tùng cùng tham gia BVDC 2.3. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chững chạc, khỏe mạnh hơn sau chuyến đi Nếu như hơn một năm trước đây, Trung úy Phan Thị Vân Huyền trong mắt gia đình vẫn là cô gái chưa từng trải, đến một đất nước nghèo xa xôi ở châu Phi, tình hình chính trị, chiến sự phức tạp khiến cha mẹ vô cùng lo lắng, thấp thỏm thì lần này người thân đã ủng hộ quyết định của cô khi chứng kiến cô về chững chạc, khỏe mạnh. |
Vợ chồng son cùng lên đường
Trong đội hình cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 chuẩn bị lên đường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có hai thành viên đặc biệt, đó là một cặp vợ chồng son: Trung úy Đỗ Thanh Tùng, bác sĩ Khoa khám bệnh BVDC 2.3 và Thượng úy Tống Vân Anh, bác sĩ Khoa sản BVDC 2.3.
Trước ngày lên đường sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ, cô Thượng úy trẻ Vân Anh chia sẻ cảm thấy rất xúc động và đầy tự hào khi góp một phần nhỏ cho hoạt động của BVDC 2.3 nói riêng và công tác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của nước ta nói chung.
Vân Anh chia sẻ: “Tôi sang Nam Sudan phụ trách vị trí bác sĩ sản phụ khoa. Vì bản thân mình không phải vướng bận chuyện con cái nên tôi đã không ngần ngại sẵn sàng đặt bút đăng ký tham gia. Đặc biệt, từ nhỏ tôi đã thần tượng những người được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và mong muốn được tham gia nhiệm vụ này. Và thật may mắn khi hôm nay tôi đã thực hiện được điều ước đó”. Theo Vân Anh, khi chia sẻ quyết định tham gia BVDC, chồng cô - Trung úy Tùng cũng khá hào hứng, tình cờ vị trí bác sĩ khoa khám bệnh của chồng cũng phù hợp.
Trung úy Tùng chia sẻ: “Tham gia BVDC 2.3 ở Nam Sudan có lẽ sẽ là quãng thời gian cực kỳ ý nghĩa đối với vợ chồng tôi. Tôi nghĩ cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ động viên nhau vượt mọi khó khăn sắp tới”.
Hành lý của cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 có gì? Sang đất nước Nam Sudan xa xôi, điều kiện thiếu thốn, các cán bộ, nhân viên của BVDC 2.3 không quên chuẩn bị những món quà để tặng và giao lưu với nhân viên ở Phái bộ Nam Sudan và người dân nơi đây. Ngoài những vật dụng cần thiết mang theo, Thượng úy Vân Anh còn cẩn thận chuẩn bị những vật dụng handmade hoặc chuẩn bị quà tặng cho bạn bè quốc tế hoặc công tác dân vận như khẩu trang, sách vở, đồ dùng học tập để tặng cho trẻ em bên Nam Sudan. Thượng úy Vân Anh chia sẻ: “Qua chia sẻ của lãnh đạo và của các anh chị, mình thấy cuộc sống của họ bên đó rất khó khăn nên mình rất mong muốn sang bên đó có thể chia sẻ ở mức tối đa những gì mình có thể”. Còn Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa ngoại BVDC 2.3, tiết lộ anh đã chuẩn bị cà phê và lương khô Việt Nam để mang sang Nam Sudan. “Người dân ở Nam Sudan rất chuộng cà phê Việt Nam và lương khô Việt Nam còn được người ta gọi là sôcôla đen nên tôi nghĩ mang những thứ này sang, mọi người sẽ rất thích” - Thiếu tá Thành Nam chia sẻ. |