Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti tại cuộc họp báo về đóng góp của EU cho cơ chế COVAX chiều 23-3 ở Hà Nội - Ảnh: KHOA THƯ
"Chúng tôi coi vắc xin là hàng hóa công cộng để ứng phó với đại dịch và biến chủng có nguy cơ xuất hiện. Việc phát triển vắc xin không phải là cuộc đua giữa các quốc gia, mà là cuộc đua giữa chúng ta với thời gian.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti
Thông tin với báo chí tại cuộc họp ngày 23-3, Bộ Y tế cho biết vắc xin ngừa COVID-19 sẽ về chậm hơn dự kiến và Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để vắc xin về đúng kế hoạch.
Vắc xin "viện trợ" bị chậm
Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nguồn vắc xin lớn nhất và rõ nhất của Việt Nam đến nay là vắc xin do Bộ Y tế mua của Hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) thông qua Công ty VNVC (30 triệu liều). Lô đầu tiên trong số này đã về Việt Nam vào ngày 24-2 vừa qua. Kế đến là nguồn vắc xin hỗ trợ miễn phí theo cơ chế COVAX Facility (sáng kiến chung nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước nghèo) cũng là 30 triệu liều.
Lô vắc xin đầu tiên (1,37 triệu liều) trong số vắc xin theo cơ chế COVAX có thể về đến Việt Nam ngày 25-3. Lô kế tiếp (2,8 triệu liều) sẽ về cuối tháng 4. "Tuy nhiên, do nguồn cung trên thế giới khó khăn, việc xuất khẩu vắc xin tại các nước sản xuất bị hạn chế, các lô vắc xin này có thể bị lùi thời gian cung ứng, lô đầu sẽ về vào đầu tháng 4" - ông Đức Anh cho biết.
Tại cuộc họp báo về đóng góp của Liên minh châu Âu (EU) cho cơ chế COVAX tổ chức ở Hà Nội chiều 23-3, phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết vắc xin mà Việt Nam sắp tiếp nhận thông qua cơ chế COVAX có chất lượng giống như loại được sử dụng tại châu Âu. Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines và Campuchia, tiếp nhận vắc xin từ cơ chế này.
Số lượng vắc xin mà Việt Nam tiếp nhận được quyết định dựa trên đề xuất của Chính phủ, sự khan hiếm của vắc xin và yêu cầu của các quốc gia khác. "Dựa trên số lượng ca nhiễm đã được ghi nhận, Việt Nam không phải là quốc gia cần vắc xin khẩn cấp" - đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti giải thích tại buổi họp báo.
Liên quan đến việc EU đe dọa cấm xuất khẩu vắc xin AstraZeneca sản xuất trên lãnh thổ liên minh do phía công ty chậm trễ trong việc cung ứng theo hợp đồng cho các thành viên EU, đại sứ Aliberti khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận vắc xin của Việt Nam. "Đây là vấn đề cấp phép xuất khẩu cho các quốc gia nằm ngoài cơ chế COVAX. Do Việt Nam là một trong 92 nước được tài trợ vắc xin theo cơ chế này, quá trình giao nhận sẽ không bị ảnh hưởng", ông Aliberti trấn an.
Bộ Y tế cũng cho biết số vắc xin trong chương trình COVAX còn lại dự kiến về Việt Nam vào quý 3-2021 có thể bị lùi thời gian cung ứng sang năm 2022. Riêng vắc xin Bộ Y tế mua thông qua VNVC, Bộ Y tế cho biết còn hơn 29 triệu liều sẽ về trong quý 2 và 3, trong đó lô trên 1 triệu liều về trong tháng 4. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để vắc xin về đúng theo kế hoạch.
Sẽ phân bổ tiếp ra sao?
Với lô vắc xin đầu tiên đã về Việt Nam (ngày 24-2), đến nay đã có 16 tỉnh thành tổ chức tiêm chủng cho trên 36.000 người. "Khi lô vắc xin mới về, việc phân bổ sẽ dựa trên nguyên tắc cung ứng cho đối tượng ưu tiên theo nghị quyết của Chính phủ trước, tiếp theo sẽ mở rộng thêm. Số tỉnh thành đã tiêm trong đợt 1 chủ yếu là nhóm ghi nhận dịch trong thời gian qua, tới đây sẽ có thêm các địa phương khác ngoài nhóm này triển khai tiêm ngừa" - ông Đức Anh cho biết.
Theo ông Đức Anh: "Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất, có sự khác biệt so với những nước khác, kể cả các nước tiên tiến". Sắp tới, khi vắc xin về nhiều, các điểm tiêm sẽ mở rộng ra (thêm điểm tiêm tại bệnh viện, các ngành công an, quân đội cũng sẽ tiến hành tiêm chủng, bên cạnh điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế như hiện nay) nhưng vẫn phải đảm bảo quy trình.
Trong 2 tuần đầu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam, ông Đức Anh cho biết tỉ lệ người tiêm gặp các phản ứng như sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm là 25 - 26%, các phản ứng nặng hơn (sốt, bồn chồn, choáng, phù mạch tại vị trí tiêm, nôn, tiêu chảy...) dưới 1%, theo ông Đức Anh là tương tự các vắc xin khác. Việt Nam cũng chưa gặp trường hợp phản ứng rối loạn đông máu, loại phản ứng gặp ở các nước châu Âu gần đây.
Phản hồi nghi ngại về các trường hợp đông máu sau tiêm tại châu Âu, đại sứ Aliberti khẳng định đặt sự an toàn của người dân và minh bạch trong điều tra lên hàng đầu. "Bất cứ loại thuốc hay vắc xin nào đều có tiềm ẩn các nguy cơ gây ra biến chứng. Thông thường, quá trình sản xuất vắc xin phải mất 10 năm, trong trường hợp vắc xin ngừa COVID-19 lần này chỉ mất 10 tháng. Trong khoảng 7,7 triệu liều vắc xin đã được tiêm, có 7 ca xuất hiện đông máu, trong đó ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Tỉ lệ này là thấp và chúng tôi đang có các nhóm nghiên cứu cách xử lý đối với các biến chứng này", đại sứ Aliberti thông tin rõ tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Việt Nam phê chuẩn vắc xin Sputnik V
Ngày 23-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch cho vắc xin GAM-COVID-Vac, tên gọi khác là vắc xin Sputnik V. Đây là vắc xin do JSC Generium, Liên bang Nga sản xuất và là vắc xin thứ 2 được phê duyệt nhập khẩu vào Việt Nam.
Vắc xin Sputnik V bào chế dạng dung dịch tiêm, lọ chứa 5 liều, mỗi người tiêm 2 mũi 0,5ml/mũi. Hiện Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế đang đàm phán mua vắc xin này, nhưng số lượng và thời gian cung ứng vắc xin chưa được thông báo chính thức. Tuy nhiên, đã có 1.000 liều vắc xin đầu tiên đến Việt Nam theo diện quà tặng.
TTO - Vắc xin COVID-19 do AstraZenenca sản xuất mà Việt Nam dự kiến tiếp nhận thông qua cơ chế COVAX trong một vài ngày tới có chất lượng giống như loại được sử dụng tại châu Âu, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam thông tin chiều 23-3.
Xem thêm: mth.65434058042301202-mahc-ev-91-divoc-augn-nix-cav/nv.ertiout