Khu dân cư Intresco, huyện Bình Chánh, TP.HCM, một trong 13 dự án Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi vì đã được giao đất từ năm 1999-2003 nhưng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, chưa đầu tư xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đất là tài nguyên thiên nhiên quý giá của bất cứ thành phố nào, bởi đất là hữu hạn, người tăng thêm chứ đất không thể đẻ ra thêm. Do vậy việc sử dụng đất như thế nào cho hợp lý, hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ chính quyền của quốc gia và thành phố nào.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét thu hồi 13 dự án bất động sản tại TP.HCM vì được giao đất khoảng 20 năm nhưng không thực hiện đầu tư.
13 dự án này không triển khai được do vướng nhiều yếu tố: không qua đấu thầu mà chỉ định thầu, không đấu giá quyền sử dụng đất, không giải phóng được mặt bằng hoặc chỉ giải phóng được một phần, năng lực chủ đầu tư yếu kém, thiếu vốn và thiếu cả các thủ tục pháp lý khác.
Việc Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 13 dự án cho thấy TP.HCM cần rà soát lại quy trình kêu gọi đầu tư, thương thảo với các chủ đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà thầu và cấp giấy phép xây dựng sao cho rõ ràng, chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu sai sót, đồng nghĩa với việc giảm thiệt hại cho nhà đầu tư.
Đôi khi sự "thông cảm tình nghĩa", "du di chút đỉnh" về thủ tục của cơ quan chức năng đã đưa cả hai, ba phía vào những vướng mắc phức tạp kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, chưa kể đến việc một số nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở đó xí phần dự án để chờ dịp may theo kiểu "tay không bắt giặc" tạo ra sự lộn xộn trong quản lý đất đai.
Thực tế cho thấy số cán bộ bị vướng vòng lao lý ở thành phố này trong thời gian qua và nhìn rộng ra phạm vi cả nước hầu hết đều có nguyên do từ đất.
Về phía các bộ ngành có chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành cũng cần rà soát lại các văn bản pháp quy, nhất là các văn bản dưới luật, các văn bản giải thích các quy định sao cho thống nhất, để cho mọi phía đều hiểu và vận dụng nhất quán như nhau.
13 dự án không triển khai được, trong đó có những dự án do năng lực của chủ đầu tư yếu kém, nhưng cũng có những dự án chỉ vướng hồ sơ, thiếu thủ tục này khác.
Đối với dự án thiếu các thủ tục, chưa giải phóng mặt bằng hết nhưng chủ đầu tư có năng lực thì chính quyền thành phố nên nỗ lực giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án với cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thu hồi dự án không chỉ thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn cho cả chính quyền và ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Còn đối với những dự án không còn khả năng triển khai nữa thì thu hồi và đấu thầu, đấu giá lại là điều cần phải làm.
Tất nhiên, cho dù biện minh thế nào thì việc bỏ không 150ha không khai thác trong 20 năm là một sự lãng phí và sai sót nghiêm trọng. Việc rà soát, chấn chỉnh và nhanh chóng đưa các dự án này triển khai trở lại là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh quỹ đất còn khai thác được của TP.HCM đang dần khan hiếm.
TTO - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thu hồi 13 dự án ở khu đô thị mới Nam TP.HCM do đã giao đất quá lâu nhưng chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa đầu tư xây dựng...
Xem thêm: mth.86780750142301202-eht-uhn-ihp-gnal-ed-gnud/nv.ertiout