Thanh tra Chính phủ mới đây ban hành thông tư số 01/2021 quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Cấm nhận quà dưới mọi hình thức
Theo đó, về ứng xử trong nhiệm vụ thanh tra, thông tư quy định cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước (gọi tắt là cán bộ thanh tra) phải có thái độ thận trọng, khách quan, toàn diện khi xem xét, đánh giá sự việc; lắng nghe, tôn trọng các ý kiến giải trình hợp lý của đối tượng thanh tra, hướng dẫn cho đối tượng thanh tra hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật.
Cán bộ thanh tra phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra khi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có mối quan hệ với đối tượng thanh tra có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; báo cáo kịp thời khi phát hiện xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Thanh tra Chính phủ nghiêm cấm cán bộ thanh tra có hành vi trả thù, đe dọa hoặc trù dập người tố cáo các vi phạm của mình. Ảnh minh họa: TP
Cùng với đó, cán bộ thanh tra cần tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra; kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, cán bộ thanh tra không được lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, viên chức thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vì lợi ích cá nhân.
Thông tư cũng nghiêm cấm cán bộ thanh tra nhận quà tặng của đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức; trường hợp không từ chối được phải báo cáo người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra để quản lý, xử lý quà tặng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cán bộ thanh tra không được bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật; tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai và chưa được lãnh đạo giao theo quy định của pháp luật; hoặc trả thù, đe dọa, trù dập người tố cáo các hành vi vi phạm của mình…
Tạo điều kiện để báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng
Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, thông tư của Thanh tra Chính phủ yêu cầu cán bộ thanh tra phải tuân thủ các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cán bộ thanh tra phải cung cấp thông tin, báo cáo trung thực về công tác phòng, chống tham nhũng cho cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí, nhà báo, công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng,... tham gia phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, thông tư quy định rõ những hành vi mà cán bộ thanh tra không được làm khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Trong đó, cán bộ thanh tra không được làm sai lệch hồ sơ, thông tin, tài liệu, báo cáo sai sự thật về phòng, chống tham nhũng; lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức.
Thông tư cũng nghiêm cấm việc lợi dụng việc xác minh tài sản, thu nhập để gây khó khăn, phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của người được xác minh; tiết lộ thông tin về tài sản, thu nhập của người được xác minh trái pháp luật.
Ngoài ra, cán bộ thanh tra không được bao che cho hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết các vụ việc tham nhũng; tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; hoặc cản trở, can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết các vụ việc tham nhũng.