Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, trước Quốc hội sáng 24-3, đã có những điểm nhấn và chia sẻ chân thành.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo công tác
của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: VGP
Công tác của Chủ tịch nước không bị gián đoạn
Sau khi lược qua tình hình trong nước và quốc tế, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về các nhiệm vụ mà mình kiêm nhiệm, rồi ông bộc bạch: “Nếu kể cụ thể ra thì kiêm nhiệm nhiều thứ, cũng có ảnh hưởng đến nhiệm vụ Chủ tịch nước”. Tuy vậy, báo cáo của Chủ tịch nước cho thấy những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao đã được hoàn thành.
Trong phần đánh giá ưu điểm, Chủ tịch nước cũng bộc bạch: “Trong thời gian sức khỏe không được tốt thì cũng đã có phương cách để công tác của Chủ tịch nước không bị gián đoạn. Phân quyền cho phó chủ tịch nước, ủy quyền cho các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan để công việc không bị ngừng trệ”.
Chủ tịch nước nói tiếp: “Kể cả lúc công việc dồn dập, khó khăn, lúc COVID hay lũ lụt miền Trung nhiều vấn đề đặt ra. Đặc biệt thời gian tiến hành Đại hội XIII của Đảng thì không biết bao nhiêu công việc, về văn kiện, nhân sự, phương pháp tổ chức. Rất may là mọi việc trôi chảy”.
Đối nội có nhiều nổi trội
Chẳng hạn về lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nhất là các đạo luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 72 luật, hai pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.
“Nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ, vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước” - Chủ tịch nước nói và cho rằng công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Về hành pháp, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã bốn lần dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Và đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước dự họp và có ý kiến phát biểu với Chính phủ như vậy.
Về lĩnh vực tư pháp, Chủ tịch nước đã thực hiện tốt trách nhiệm là trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Đặc biệt, Chủ tịch nước đề cập đến Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị sau 15 năm thi hành và nói: “Nghị quyết này được nhiều người quan tâm và có dấu ấn”.
Không để bất ngờ, bị động về quốc phòng, an ninh Chủ tịch nước đặc biệt đề cập đến việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Theo đó, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng. “Vài năm vừa qua chúng ta xây dựng nhiều chiến lược, cái này không công bố được. Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược liên quan trực tiếp cực kỳ quan trọng. Không để bất ngờ, bị động trong bất kỳ tình huống nào về an ninh, các hướng đông, tây nam, bắc, nước xa, nước gần, nước lớn, nước nhỏ. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng” - Chủ tịch nước nói. Lúc nói về ưu điểm của nhiệm kỳ, Chủ tịch nước lại nhấn mạnh thêm về công tác quốc phòng, an ninh: “Có những việc không thể nói công khai nhưng có việc, có những thời điểm sự cố ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta xử lý thế nào, tây nam nào, quan hệ với các nước bạn thế nào. Có những xử lý phải nói rất thật là hết sức tế nhị, khôn khéo và cả hệ thống chính trị đã làm tốt”. |
Trong lĩnh vực này, Chủ tịch nước đặc biệt đề cập đến công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình. Bởi đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng.
Còn đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.•