vĐồng tin tức tài chính 365

Thủ tướng: Biến thách thức thành cơ hội cho phát triển

2021-03-25 08:06

Sáng 24-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Dẫn lại câu tục ngữ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh trong năm năm qua, chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông cũng một lần nữa nhắc lại phương châm hành động của Chính phủ xuyên suốt nhiệm kỳ vừa qua: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.

Thủ tướng: Biến thách thức thành cơ hội cho phát triển - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Ảnh: VGP

Ba đột phá chiến lược

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay việc thực hiện các đột phá chiến lược là “ưu tiên cao” trong chỉ đạo điều hành nhiệm kỳ vừa qua.

Điểm mới trong triển khai xây dựng, hoàn thiện pháp luật là phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả.

“Ngoài thảo luận tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã có thêm bảy phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật” - Thủ tướng nói và cho biết thực hiện đổi mới tư duy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật.

Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác để rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội.

Cạnh đó, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài. Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo…

Cuối cùng, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Theo đó, nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.

Thủ tướng dẫn chứng chúng ta đang đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống… và đặc biệt là đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay (như Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất).

 

Giải quyết 2.200 kiến nghị

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng và các phó thủ tướng đã có 570 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 2.200 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Chủ động bảo vệ Tổ quốc “từ xa”, “từ sớm”

Trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.

Cùng với đó là việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia năm năm; cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển...

“Nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong bốn năm tăng trưởng cao 2016-2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch COVID-19” - Thủ tướng nói.

Đặc biệt, nhiệm kỳ qua và trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.

“Con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Chính phủ coi phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng…

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”. Từ đầu năm 2021, Thủ tướng đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Theo Thủ tướng, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm giúp cho “cỗ máy hành chính” hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và là tiền đề cho nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế…

Cùng với đó, việc bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của mọi người dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi “tấc đất” biên cương, mỗi “dặm biển” khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo.

Trong bối cảnh quốc tế mới, Chính phủ luôn chú trọng tăng cường tiềm lực, sức mạnh của các lực lượng vũ trang… Chủ động bảo vệ Tổ quốc “từ xa”, “từ sớm”.

Tự “soi lại mình”

Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả tích cực được ghi nhận nhưng trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ cũng tự “soi lại mình” và thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục.

 

Luôn tự kiểm về lời nói, hành động của Chính phủ

Trong phát biểu nhậm chức cách đây năm năm, bối cảnh thời điểm ấy còn nhiều khó khăn như nợ công cao, tôi đã đề nghị chúng ta phải đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, xử lý có hiệu quả tài sản công…

Nay sau năm năm, thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công, không gian tài khóa đã được cải thiện một cách căn bản. Chúng ta đã đề cao thượng tôn pháp luật. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá.

Chúng ta đã cùng nhau giảm hẳn cơ chế xin - cho, thảo luận công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề ra nhiều biện pháp bảo vệ môi trường kinh doanh… cùng với luôn tự kiểm về lời nói và hành động của Chính phủ cũng như hệ thống các cơ quan của chúng ta.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thủ tướng chỉ rõ tình trạng đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu...

Cạnh đó, thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm, do dịch COVID-19, vẫn còn 2/12 chỉ tiêu chưa đạt; việc thực hiện ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa như kỳ vọng.

Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng, hạn chế. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Đặc biệt, bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. “Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh” - Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, trong đó yếu tố quyết định chính là “con người”. Cụ thể, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ hạn chế, ngại “va chạm”...

“Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã coi đó là thách thức phải dám nghĩ, chấp nhận, dấn thân vượt qua rủi ro để quyết làm, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.•

Xem thêm: lmth.526479-neirt-tahp-ohc-ioh-oc-hnaht-cuht-hcaht-neib-gnout-uht/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thủ tướng: Biến thách thức thành cơ hội cho phát triển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools