Xung quanh sân bay, đất xấu “cò” cũng đậu
Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho thấy, giá đất ở các địa phương tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng gấp 3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư BĐS.
Cơn sốt đất đáng chú ý nhất phải kể đến khu vực ven dự án sân bay Téc Ních thuộc xã An Khương và Tân Lợi của huyện Hớn Quản, Bình Phước. Những ngày đầu tháng 3, giới đầu cơ đất kéo về khu vực này để chèo kéo, giới thiệu thông tin đến người mua bán BĐS nhộn nhịp như trẩy hội. Con đường liên xã An Khương-Tân Lợi từ ngã ba ấp Sóc Trào A (xã Tân Lợi) đến ấp 5 (xã An Khương) có hàng chục biển báo với các dòng chữ “Mua bán đất sân bay Téc Ních”, “Điểm tư vấn mua bán đất nền”, “Bán đất sân bay giá rẻ”, “Mua bán đất sào sân bay Téc Ních”... được dựng lên khắp nơi.
Đáng nói, chỉ chưa đầy một tuần lễ sau khi đoàn lãnh đạo Bình Phước đến khảo sát khu vực dự án sân bay Téc Ních Hớn Quản, giới “cò” đất đã có ngay các “sơ đồ tự vẽ” dự án phân lô bán nền. Đó là chưa kể, “cò đất” đến huyện Hớn Quản tỏa đi các hướng, nhiều nhà dân ở xã An Khương, Tân Lợi liên tục được người lạ gõ cửa.
“Mỗi ngày có ít nhất 4 người đến nhà hỏi mua đất với giá cao đến mức tôi không thể tin được. Với mảnh đất nông nghiệp đang trồng keo, diện tích 400m2, họ trả giá gần 2 tỷ đồng. Khi đó, tôi mới biết tin khu vực mình ở sắp có sân bay. Họ xem sổ đất rồi mượn đi photo, sau đó rao bán như đó là đất của chính mình, dù tôi chưa có ý định bán”, bà Nguyễn Thị Miết (ngụ xã Tân Lợi) kể.
Cũng ăn theo thông tin sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) sắp khởi công, mỗi ngày ở xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết-nơi quy hoạch xây dựng sân bay có hàng trăm ô tô mang biển số TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đổ về đây tìm mua đất khiến nhịp sống thường ngày của người dân đảo lộn.
Dọc Tỉnh lộ 715 từ trung tâm xã về phía ngã ba đường sỏi rẽ vào dự án sân bay, các quán cà phê cũng đông đúc không kém. Cứ 10-15 phút, vài chiếc xe rời khỏi quán đi xem đất. Cứ chiếc này đi, chiếc khác lại đến đậu hỏi chuyện mua bán đất.
Một thanh niên tên Bình, tự giới thiệu là người dân Phan Thiết chuyên môi giới BĐS, rất rành về giá cả và các khu đất đang rao bán tại đây. Ông Bình nói, đất cây trồng dọc mặt đường nhựa này từ 4 đến 4,2 tỷ đồng/1.000 m2. Càng vào sâu phía trong thì giá càng mềm hơn, nhưng đã gấp 15-20 lần so với giá đất năm 2018.
Nhiều người bị cuốn theo cơn lốc giá
Cơn sốt đất không chỉ tạo ra những cò đất nghiệp dư mà còn kéo theo hàng ngàn nhà đầu tư mới tham gia thị trường bất động sản, với tên gọi là F0 (nhà đầu tư cá nhân mới hoặc chưa có kinh nghiệm tham gia thị trường). Anh Tiến Hưng, nhân viên tín dụng một ngân hàng cũng mạnh dạn đầu tư BĐS sau khi về quê thấy bạn bè “phất” lên nhờ buôn đất.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Công ty DKRA Việt Nam thừa nhận, F0 đã góp phần làm thị trường năm 2020 sôi động hơn, dòng vốn dịch chuyển đầu tư vào BĐS, làm tăng lực cầu đầu tư trong ngắn hạn. Chỉ tính riêng tại TPHCM, lực cầu ngoài ngành chuyển hướng vào BĐS đang chiếm tỷ trọng tới 30-40% tổng cầu đầu tư toàn thị trường. Không có một thống kê chính xác nào về số lượng F0 tham gia thị trường BĐS nhưng ông David Jackson, Tổng Giám đốc của Colliers Việt Nam ước tính hơn 70% giao dịch đến từ các nhà đầu tư F0.
Chính quyền địa phương bắt đầu ngăn chặn
Bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước vừa yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp tụ tập trái phép gây mất an ninh trật tự. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, không để các đối tượng cơ hội, lôi kéo, xúi giục bán đất dẫn đến không còn đất để sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết, đã cử lực lượng công an theo dõi các hoạt động môi giới, giao dịch, mua bán đất tại xã Thiện Nghiệp. Các sàn giao dịch BĐS trái phép nếu dựng bảng quảng cáo lên sẽ bị ngăn chặn, yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức.
Rất ít giao dịch thật
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asian Holding cho biết, cơn sốt đất hiện nay ở Bình Phước hay Bình Thuận là "mô típ" quen thuộc từng diễn ra ở nhiều nơi. Đầu năm 2020 tại các khu vực Bình Ba thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng từng xảy ra cơn sốt đất tương tự ngay sau khi có đề xuất xây dựng khu đô thị của một tập đoàn lớn. Đặc điểm của những cơn "sốt đất ảo" là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai.
Duy Quang
Tiền phong
Xem thêm: nhc.61901838052301202-aig-ioht-ib-yab-nas-na-ud-nev-tad/nv.zibefac