Cà phê là một trong những thức uống được nhiều người ưa chuộng. Nó được phát hiện là làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, giảm nguy cơ suy tim và thậm chí giảm nguy cơ mất thính giác.
Tuy nhiên, đối với một số người cà phê thực sự có thể có nhiều tác dụng phụ tiêu cực hơn là tích cực. Dưới đây là 6 nhóm người nên cắt bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế uống cà phê để sức khỏe tốt hơn.
Những người bị bệnh tim, như loạn nhịp tim
Ngoài việc kích thích hệ thần kinh, trí não thì caffeine cũng kích thích cả hoạt động của hệ tim mạch, gây rối loạn hoạt động của cơ quan này. Nó có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời.
Những người đang mắc các vấn đề về tim mạch nên nói chuyện với bác sĩ để biết được hàm lượng cà phê nên uống bao nhiêu là an toàn.
Cà phê có thể thể làm tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời. Ảnh: NHẬT LINH
Người đang cho con bú
Vì caffeine là một chất kích thích và lợi tiểu, nên mối quan tâm là một người mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước.
Bên cạnh đó, chất caffeine trong cà phê có thể thông qua máu đi vào sữa mẹ. Do chức năng bài tiết của thận ở trẻ còn khá yếu, do đó khi trẻ bú sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ đề nghị tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Người bị tiêu chảy
Vì caffeine là một chất lợi tiểu sẽ kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước. Đối với người bị tiêu chảy, mất nước là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, người đang mắc vấn đề về tiêu chảy cần tuyệt đối không uống cà phê để đảm bảo sức khỏe.
Người có mức độ lo lắng cao
Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng ở một số người. Nếu bạn thường xuyên trải qua các cơn lo lắng hoặc hoảng sợ, bạn có thể cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê có chứa caffeine của mình.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Mặc dù caffeine có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn, nhưng nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng chú ý hơn và thậm chí nghiêm trọng hơn ở trẻ em.
Trẻ em tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Một khía cạnh khác cần xem xét, đặc biệt là ở trẻ mới biết đi là cà phê có thể che dấu cảm giác đói. Vì vậy trẻ mới biết đi có thể không nhận được dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của chúng.
Ngoài ra, bản thân cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Caffeine có thể nới lỏng cơ vòng thực quản dưới, là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này có thể khiến các chất axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng GERD khó chịu.
Nếu bạn bị GERD, hãy xem việc chuyển sang cà phê đã khử caffeine như cà phê decaf hoặc có thể bỏ nó hoàn toàn, theo Eatthis.