Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc các buôn, thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk (tháng 11-2018) - Ảnh: TTXVN
Ngày 24-3, phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được chú ý bởi ba báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng, được nhiều chuyên gia nhận định đó là nền móng vững chắc để xây dựng Việt Nam hùng cường.
Những chuyến đi phải tạo ra sự phát triển
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về hoạt động của mình, chia sẻ trong các chuyến công tác, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân và lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Qua kiểm tra, tìm hiểu thực tiễn, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước có ý kiến với các cơ quan, góp ý, gợi mở nhiều vấn đề với các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những chuyến đi đó, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, không phải làm hình thức mà "phải làm sao tạo ra một sự phát triển mới, hay có những cải tiến gì qua những chuyến đi thực tế ấy chứ không phải đi có hình thức".
Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước cũng nhận được trên 43.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong đó phần lớn liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.
Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, tham mưu, xử lý và chuyển hàng trăm đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét, góp phần giải quyết bức xúc trong dân.
Đang xây dựng một số chiến lược cực kỳ quan trọng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhiệm kỳ qua, ông đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia...), bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trong thời gian ngắn vài ba năm vừa qua, chúng ta đã xây dựng một loạt chiến lược về quốc phòng và an ninh. Cái này không công bố được, những chiến lược rất quan trọng.
Hiện nay chúng tôi cũng đang chỉ đạo phải xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến chúng ta, cực kỳ quan trọng, không thể để bất ngờ, bị động. Trong bất cứ tình hình nào chúng ta cũng không được để bất ngờ về vấn đề quốc phòng và an ninh ở tất cả các hướng, cả phía đông, phía tây nam, phía bắc, với các nước ở xa, nước ở gần, nước lớn, nước nhỏ".
Nhiều luật, chính sách mới lần đầu tiên được ban hành
Hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam) khi hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với những thành tựu của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày, ấn tượng nhất là việc Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Mặt khác, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội cũng đã phê duyệt đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
5 năm tạo thêm 1.300 tỉ USD
Thủ tướng nghe báo cáo tình hình phát triển của cảng quốc tế Long An và dự án nhà máy điện khí chuẩn bị xây dựng trong khu vực huyện Cần Giuộc, Long An (ảnh chụp ngày 21-3) - Ảnh: SƠN LÂM
Trong gần 60 phút phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 14 lần nhắc đến cụm từ “đại dịch COVID-19” để nhấn mạnh dịch bệnh ập đến đã tàn phá nặng nề nền kinh tế, tuy nhiên VN đã đạt được những thành công trong chống dịch, trở thành nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn Đông Nam Á.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ví von "con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố" với nhiều khó khăn, thách thức, vượt xa dự tính ban đầu nhiệm kỳ.
Một con số thống kê ấn tượng được người đứng đầu Chính phủ nêu ra để minh chứng cho Chính phủ hành động là có 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" của lãnh đạo Chính phủ về với các địa phương để kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Điểm lại những điểm nhấn trong nhiệm kỳ, thủ tướng nhấn mạnh cụm từ "đột phá chiến lược" là ưu tiên trong chỉ đạo điều hành. Trong đó, đột phá mở đường là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, kế đến là nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đồ họa: TUẤN ANH
"Tự soi lại mình", thủ tướng nhận định Chính phủ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ hạn chế, ngại va chạm.
"Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được thụ hưởng thành quả của đổi mới và phát triển" - thủ tướng nhấn mạnh.
Về những thành tựu của nền kinh tế, thủ tướng nhấn mạnh trong 5 năm qua Việt Nam tạo ra khoảng 1.300 tỉ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN.
Nhắc lại con số đầu nhiệm kỳ, khi Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ niềm vui khi nói rằng "rất tự hào" bởi đến nay Việt Nam đã tăng 11 bậc và đứng thứ 37 thế giới.
Về những thành tựu của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh trong 5 năm qua Việt Nam tạo ra khoảng 1.300 tỉ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN.
Nhắc lại con số đầu nhiệm kỳ khi Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ niềm vui khi nói rằng "rất tự hào" bởi đến nay Việt Nam đã tăng 11 bậc, đứng thứ 37 thế giới.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Hãy đối thoại với dân
Đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: N.HIỂN
Nhiệm kỳ qua, chúng ta đạt được nhiều thành tựu, thay đổi tích cực nhưng rõ ràng còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề an ninh. Càng ngày chúng ta càng ý thức được Biển Đông tích hợp rất nhiều yếu tố bất ổn định, không chỉ chúng ta tự định đoạt mà còn cả tác động bên ngoài nữa.
Vấn đề khó nhất đòi hỏi chúng ta phải đặt vị trí như thế nào trong các mối quan hệ ấy. Bài học lịch sử trước nay đã mang lại cho chúng ta khá nhiều thành công, nhưng cũng để lại nhiều bài học sâu sắc. Điều quan trọng nhất có được sự đồng thuận bên trong, làm sao lấy được lòng tin của dân mới giữ được.
Thời đại này phải đối thoại với dân để tìm tiếng nói, giải pháp hài hòa lợi ích chung. Những hiện tượng tiêu cực như tham ô, tham nhũng tạo ra sự bất bình đẳng, bất công về lợi ích phải tiêu diệt là đúng. Nhưng những lợi ích của người dân khi chúng ta thực hiện chủ trương, chính sách cũng cần được quan tâm để có những điều chỉnh, sửa đổi coi trọng lợi ích của người dân hơn.
Lấy ví dụ khi chúng ta thu hồi đất đai làm kinh tế, người dân sẽ dễ nhìn thấy được bất cân xứng lợi ích khi đang từ một miếng đất nông nghiệp được đền bù với giá rẻ nhưng sau đó làm dự án bán giá cao. Từ chỗ thấy thiệt người dân rất dễ gây bức xúc...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):
Mong quan tâm đặc biệt cho ĐBSCL
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: N.HIỂN
Trong thâm tâm và trong hành động, tôi đã đề cập nhiều, rất mong muốn Chính phủ quan tâm đặc biệt cho ĐBSCL bởi đây là 3 vựa quan trọng nhất cả nước: vựa lúa gạo, hoa quả và thủy sản. Đây là vùng chịu tác động sâu sắc của hạn mặn, là vùng an ninh lương thực, thực phẩm không chỉ của Việt Nam mà trên thế giới và là vùng có khả năng chịu tổn thương rất nhiều bởi biến đổi khí hậu.
Do đó, việc quan tâm cho vùng này không chỉ là giao thông đường bộ nội địa mà giao thông hàng hải, đường bộ, đường sắt... Bên cạnh đó, cần hết sức quan tâm đến bảo vệ môi trường vùng này, đừng đưa nhiệt điện về bởi đây là vùng đã bị tổn thương rồi.
Thời gian qua, ngân sách nhà nước cũng hạn chế, chúng ta đang dành ngân sách ưu tiên cho một số công trình nên chậm ở một số nơi khác.
Tôi rất mong muốn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, bây giờ đã hoàn thành các kế hoạch đầu tư giao thông ở các khu vực khác, nên quan tâm nhiều hơn đến những con đường quan trọng ở miền Tây. Xây dựng một số cầu đạt tiêu chuẩn cao để sau này những tàu trọng tải lớn có thể ngược xuôi sông Cửu Long và kêu gọi xã hội hóa để đầu tư vào giao thông nông thôn, có đường sá sẽ giải phóng sức sản xuất, giải phóng nông sản cho bà con.
Đồng thời, cần phải làm lại giao thông thủy nội địa, làm hệ thống kết nối cảng, bến đỗ, kết nối với các vùng miền khác và thậm chí là thế giới. Có như thế ĐBSCL mới vực dậy mạnh mẽ.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị):
Quan tâm hơn đến đời sống của dân
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ảnh: N.HIỂN
Khép lại một nhiệm kỳ Quốc hội, tôi thấy còn rất nhiều vấn đề mà cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội, phải tiếp tục làm tốt cho dân. Ví dụ làm sao để giải quyết cho nhân dân được an toàn, ổn định trong bất kỳ tình huống nào. Đơn cử như thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Chúng ta phòng chống, nhưng phải có đủ hạ tầng để phòng chống. Muốn phòng thì phải có chiến lược, dự báo xa.
Ví dụ dự báo sạt lở, cần phải có quy hoạch trên một diện rộng các vùng sạt lở, xác định các vị trí nguy cơ cao. Trong trường hợp sạt lở sẽ cứu hộ bằng phương tiện gì, như thế nào... rõ ràng chúng ta đang rất thiếu và những gì đã xảy ra bộc lộ rất nhiều vấn đề.
Điển hình như vụ tàu đắm ở biển Cửa Việt (Quảng Trị), mấy ngày trời dân lênh đênh trên biển, không có phương tiện hiện đại sao cứu được. Hay như vấn đề thủy điện xả lũ ảnh hưởng đến dân, không phải chúng ta không biết, nhưng vấn đề chúng ta làm đến đâu, có làm đến cùng hay không. Ai cũng muốn phát triển kinh tế bền vững, phát triển điện nhưng phải đảm bảo cho đời sống nhân dân.
Rõ ràng, Quốc hội đã giám sát, có ý kiến và Chính phủ đã cam kết song mong rằng cam kết đó phải thành hiện thực. Sẵn sàng "chặn, chặt, bỏ đứt" những việc sẽ gây hậu quả với nhân dân và đại biểu hãy vì nhân dân, lấy dân làm gốc.
TTO - Sáng 24-3, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.