vĐồng tin tức tài chính 365

Khi thư tay của Megan Markle cũng là tác phẩm được bảo vệ

2021-03-25 09:45

Khi thư tay của Megan Markle cũng là tác phẩm được bảo vệ

Lê Thị Thiên Hương

(KTSG) - Vụ kiện này rõ ràng đã cho thấy giới hạn của quyền đưa tin khi vấp phải quyền riêng tư, và thậm chí là quyền tác giả của người nổi tiếng. Đây cũng là một bài học cho các tờ báo lá cải, vốn không mấy ngần ngại đưa tin sốc về người nổi tiếng để thu hút độc giả.

Gần đây, sau buổi phỏng vấn của Oprah Winfrey với Megan Markle cùng chồng là hoàng tử Harry, câu chuyện về mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa Megan với Hoàng gia Anh lại một lần nữa làm dư luận dậy sóng.

Cũng đúng trong thời gian này, một sự kiện khác liên quan tới cô đã diễn ra với một kết quả tích cực hơn. Cụ thể, tòa án Anh đã ra phán quyết liên quan tới vụ kiện giữa cô và Associated Newspapers Limited, công ty sở hữu hai tờ báo lá cải nối tiếng của Anh, tờ Mail on Sunday và MailOnline. Nhìn ở góc độ pháp lý, vụ kiện có nhiều tình tiết khá thú vị như sau.

Năm 2019, hai tờ báo Mail on Sunday và MailOnline đã đăng tải một phần của bức thư viết tay mà Megan gửi cho cha, ông Thomas Markle, mà không có sự cho phép của cô. Cho rằng việc tiết lộ bức thư này đã vi phạm vào quyền riêng tư, cũng như quyền tác giả đối với bức thư, Megan đã kiện Công ty Associated Newspapers Limited ra tòa. Đây cũng là một sự kiện đánh dấu giai đoạn Megan và chồng bắt đầu “tuyên chiến” với báo chí Anh, vốn không mấy thiện cảm với cô.

Ngày 5-3 vừa qua, tòa án Anh đã ra một phán quyết đặc biệt có lợi cho Megan.

Tòa án đã ra phán quyết khẳng định rằng hai tờ báo nói trên đã vi phạm quyền riêng tư và quyền tác giả của Megan Markle khi đăng một phần bức thư viết tay mà cô gửi cho cha mình.

Một mặt, theo thẩm phán Warby, hai tờ báo nói trên đã vi phạm đến quyền riêng tư của cô.

Thực tế xét xử ở các nước châu Âu cho thấy quyền riêng tư của người nổi tiếng thường không được bảo vệ ở cùng một mức độ như với người thường, vì lý do việc tiết lộ những thông tin này có thể phục vụ cho “lợi ích của công chúng” (public interest).

Tuy nhiên, khi việc vi phạm quyền riêng tư của người nổi tiếng bị coi là “quá giới hạn” hoặc “không phù hợp”, thì tòa án cũng sẽ không ngần ngại để xử thắng cho nạn nhân. Trước đó, chị dâu của Megan là Kate Middleton cũng đã được một tòa án của Pháp xử thắng trong vụ kiện liên quan tới việc một tờ báo Pháp đăng bức hình chụp lén cô trong một địa điểm hết sức riêng tư.

Mặt khác, thẩm phán cũng ra phán quyết rằng việc đăng tải bức thư của Megan Markle mà không có sự cho phép của tác giả, là đã vi phạm vào quyền tác giả của cô.

Hiển nhiên, không phải bất kỳ một lá thư nào cũng có thể được coi như là một “tác phẩm” theo quy định của luật bản quyền. Thường bức thư phải đạt được một mức độ chất lượng văn học nào đó để được xếp vào vị trí trang trọng của “tác phẩm”. Luật Việt Nam quy định về tiêu chí bảo vệ trong chính định nghĩa “tác phẩm” (điều 4 (7) của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam), theo đó “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

Luật của Anh cũng tương tự, theo điều 1 (1) của Luật về Bản quyền, Thiết kế và bằng Sáng chế 1988 của Anh, một bức thư chỉ có thế được coi như một “tác phẩm văn học”, được bảo vệ bởi luật bản quyền nếu như nó đáp ứng được tiêu chí “có tính sáng tạo”. Xin bổ sung là tiêu chí “tính sáng tạo” (original) tồn tại trong hầu hết các luật quốc gia về quyền tác giả, nhưng cách diễn giải nó thì lại rất khác nhau.

Trong khi tòa án ở các nước hệ thống dân luật (Civil Law) như Pháp, Đức và một số nước khác coi “tính sáng tạo” là việc thể hiện “dấu ấn của tính cách cá nhân” trong tác phẩm, thì quyền tác giả của hệ thống thông luật (Common Law) lại cho rằng tính sáng tạo chỉ đơn giản là do tác giả thực sự tạo ra chứ không “sao chép” một tác phẩm khác.

Rõ ràng là tiêu chí “không sao chép” này có phần dễ áp dụng trên thực tế hơn tiêu chí “dấu ấn cá nhân” của hệ thống dân luật. Các quy định về quyền tác giả của Việt Nam vay mượn từ cả hai hệ thống khác khác nhau nói trên, nhưng hiện giờ chưa có diễn giải cụ thể nào của tòa án liên quan tới khái niệm “tính sáng tạo” của tác phẩm cả.

Quay lại vụ kiện của Megan, cũng không ngạc nhiên khi bên bị đơn Associated Newspapers Limited lập luận rằng việc đăng tải thư của Megan phải được hưởng quy định về ngoại lệ của quyền tác giả (còn gọi là fair dealing). Quyền tác giả linh hoạt hơn rất nhiều quyền tài sản nói chung, cụ thể là trong luật quyền tác giả luôn tồn tại một số ngoại lệ với mục đích đảm bảo “lợi ích công chúng”, nhằm cân bằng mục đích khuyến khích sáng tạo với mục đích nâng cao hiểu biết của xã hội.

Theo ngoại lệ này, không cần phải hỏi ý kiến tác giả nếu như đăng tải trích đoạn tác phẩm với mục đích “đưa tin thời sự”, vì lợi ích công chúng. Tuy nhiên, những lập luận này không thuyết phục được tòa án.

Theo luật của Anh, ngoại lệ này chỉ được chấp nhận khi “mức độ” đăng tải tác phẩm “được coi là chấp nhận được so với mục đích đưa tin”, theo điều 30(2), (3) Luật về Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế 1988 của Anh. Ngoài ra, bên bị đơn cũng phản bác rằng lá thư này không chỉ có Megan viết, mà còn được chấp bút bởi một người khác. Đối với điểm này, tòa cho rằng không phải là điểm quyết định, và sẽ xét xử riêng vấn đề này trong một phán quyết tiếp theo.

Vì các lý do nói trên, tòa án đã ra phán quyết khẳng định rằng hai tờ báo nói trên đã vi phạm quyền riêng tư và quyền tác giả của Megan Markle, và vì thế, hai tờ báo Mail on Sunday và MailOnline sẽ phải đăng tải nội dung phán quyết cũng như buộc phải công bố công nhận đã vi phạm quyền lợi của cô khi đăng tải lá thư nói trên. Đây cũng là phán quyết cuối cùng, vì thẩm phán đồng thời không cho phép bên bị đơn kháng cáo, trên cơ sở việc vi phạm của họ đã quá rõ ràng.

Xem thêm: lmth.ev-oab-coud-mahp-cat-al-gnuc-elkram-nagem-auc-yat-uht-ihk/618413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: vay

“Khi thư tay của Megan Markle cũng là tác phẩm được bảo vệ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools