Một trong những sự kiện luôn thu hút lượng lớn độc giả của NXB Trẻ là những buổi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách - Ảnh: L.ĐIỀN
Ngưỡng mộ bởi lẽ sự kiện Việt Nam mua bản quyền Harry Potter trực tiếp từ Christopher Little - đại diện tác giả J. K. Rowling - là một khẳng định sự trưởng thành trong thị trường sách Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ lúc bấy giờ. Sự trưởng thành ấy không chỉ ở thế mạnh tài chính mà các công ty sách vào lúc ấy vẫn còn trong giai đoạn "tích lũy tư bản" khi thời mở cửa vừa cho phép tư nhân "bước một chân" vào ngành xuất bản bằng cơ chế liên kết.
Trưởng thành ở đây còn là một đơn vị xuất bản của Nhà nước, một NXB của Đoàn, đã mạnh dạn thương thảo tác quyền sòng phẳng với một thương hiệu lớn trên thế giới, và quan trọng hơn đã thành công.
Câu chuyện ấy đã lùi xa gần 20 năm, nhưng nó có sức gợi cho người trong giới những suy nghĩ về nghề sách, nhất là đang trong không khí kỷ niệm 40 năm ngày ra đời NXB Trẻ.
2. Ấy là trước đó rất lâu, với xuất phát điểm là một NXB được giao nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu đọc cho thanh thiếu niên, những lãnh đạo thời kỳ đầu của NXB Trẻ đã rất nhạy bén khi kịp thời chuyển hướng gắn với thị trường khi đất nước vừa mở cửa bước qua thời bao cấp.
Vào thời ấy, cái phản xạ đặt mình vào hẳn trong thị trường để nhìn các đối tác trong ngoài đều là những "bạn hàng" không phải ai cũng có đủ bản lĩnh. May thay, đội ngũ làm sách ở NXB Trẻ vào thời điểm lịch sử quan trọng ấy lại có được bản lĩnh đáng giá ấy. Chính điều đó đã khiến cho giám đốc Lê Hoàng dám đặt cược cả sinh mệnh nghề nghiệp của mình khi dốc sức xây dựng cho được mảng sách kế hoạch A (tức là những sách do NXB đầu tư thực hiện và bán ra thị trường, khác với các sách do tư nhân liên kết, được NXB cấp phép gọi là sách kế hoạch B).
Điều gì đã khiến cho lãnh đạo một NXB của Đoàn dám đặt mình vào cùng "chiếu làm ăn" với giới tư nhân đang nổi lên trong bối cảnh thị trường vừa được mở ra với không ít mặt trái? Câu trả lời có thể tìm thấy ở chất trẻ, niềm yêu sách và "máu" kinh doanh của một vùng đất xem chuyện mua bán là con đường phát triển lành mạnh.
Chính ba yếu tố ấy đã đặt nền tảng cho một thương hiệu sách Trẻ. Cho nên, lựa chọn con đường mua bản quyền sách ngay khi cả nước chưa gia nhập Công ước Berne không chỉ là tinh thần tiên phong của sức trẻ, mà "đồng tiền khôn" theo cách gọi của dân gian cũng hàm nghĩa này. Hay như NXB Trẻ trở thành đơn vị đại diện tác quyền cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong các thương vụ ký kết giao dịch hoặc thương thảo làm tác phẩm phát sinh... là một bước đi trong chuỗi trưởng thành có thể hình dung được.
3. Và câu slogan "Nuôi dưỡng tâm hồn - Khơi nguồn tri thức" cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của một đơn vị xuất bản không chỉ làm sách mà còn tạo dấu ấn trong việc tìm kiếm lực lượng viết (bằng giải thưởng Văn học tuổi 20), phổ cập kiến thức khoa học - nghệ thuật mới để đuổi kịp thế giới (qua tủ sách Cánh cửa mở rộng), mua tác quyền trọn đời nhiều nhà văn nổi tiếng, xây dựng các chương trình sách hằng năm tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc...
Có thể thấy, dù tỉ lệ sách người Việt đọc vẫn còn rất thấp, hơn bao giờ hết những người đam mê làm sách đã không nản lòng và nhanh chóng nhận ra những việc cần làm ngay để kéo gần khoảng cách tri thức của cộng đồng trong nước và thế giới. Cuộc đời vẫn luôn cần những người làm sách như vậy.
TTO - Sau 40 năm hình thành và phát triển (1981-2021), Nhà xuất bản Trẻ trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM đã trở thành một trong những đơn vị xuất bản hàng đầu quốc gia, mở rộng ra thị trường quốc tế.
Xem thêm: mth.46430819052301202-hcas-mal-iougn-nac-nav-iod-couc-av/nv.ertiout