vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều bất ngờ tại phiên tòa xử đại gia Dương Thị Bạch Diệp

2021-03-25 10:52

Luật sư cho rằng bị cáo Diệp không phạm tội

Phiên tòa xét xử nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp cùng 9 cán bộ Nhà nước, liên quan đến việc hoán đổi tài sản số 185 Hai Bà Trưng với tài sản 57 Cao Thắng đang trong phần tranh luận.

Trong đó, các ý kiến bào chữa của luật sư, tự bào chữa của bị cáo Diệp và đối đáp giữa các tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang làm “nóng” phiên tòa này.

Hồ sơ điều tra - Nhiều bất ngờ tại phiên tòa xử đại gia Dương Thị Bạch Diệp

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Diệp.

Tham gia bào chữa cho bị cáo Diệp, luật sư Phan Trung Hoài – đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để mua tài sản 57 Cao Thắng, công ty Bạch Diệp Dương phải thế chấp tài sản số 181 Hai Bà Trưng để vay Agribank 14.000 lượng vàng.

Dù tài sản số 181 Hai Bà Trưng đủ đảm bảo cho khoản vay 14.000 lượng vàng nêu trên, nhưng Agribank vẫn yêu cầu công ty Diệp Bạch Dương thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng để đảm bảo mức vay 8.700 lượng vàng.

Đến 28/10/2008, bà Diệp đã tất toán khoản vay này nhưng Agribank vẫn không giải chấp tài sản 57 Cao Thắng, vì vẫn ràng buộc tài sản này để đảm bảo cho 3 hợp đồng tín dụng của khoản vay 67.000 lượng vàng.

Trong khi, khoản vay 67.000 lượng vàng này đã có 6 tài sản thế chấp là 6 bất động sản giá trị 95.000 lượng vàng, tức là dư để đảm bảo cho khoản vay trên.

“Vậy thửa đất số 57 Cao Thắng thế chấp để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng nào?”, luật sư Hoài đặt câu hỏi.

Theo luật sư Hoài, công ty Diệp Bạch Dương có nhiều khoản vay tại Agribank và đều có tài sản thế chấp. Việc gom nhiều tải sản bảo đảm, trong đó có tài sản số 57 Cao Thắng thành một khối tài sản để bảo lãnh chung cho các hợp đồng tín dụng của khoản vay 67.000 lượng vàng là việc làm không hợp lý.

Trong quá trình hoán đổi, công ty Diệp Bạch Dương đã xin giấy phép xây dựng, xây dựng các hạng mục công trình tại số 57 Cao Thắng thành trung tâm ca nhạc nhẹ hiện đại nhưng Agribank không có ý kiến phản đối, ngăn chặn gì đối với tài sản bị coi là đã thế chấp.

Ngoài ra, cuối năm 2010 công ty Diệp Bạch Dương và trung tâm Ca nhạc nhẹ đã hoán đổi tài sản và công ty này đã bàn giao nhà 57 Cao Thắng cho trung tâm Ca nhạc nhẹ quản lý sử dụng cho đến nay.

Về việc hoán đổi này, công ty Diệp Bạch Dương cũng đã có thông báo cho ngân hàng biết và ngân hàng cùng tham gia việc thực hiện hoán đổi này.

Trong trường hợp bà Diệp có vi phạm sau khi được cấp giấy chứng nhận đối với căn nhà 185 Hai Bà Trưng mà không đưa vào thay thế tài sản 57 Cao Thắng là quan hệ tranh chấp khác, không phải là căn cứ buộc bà Diệp phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là giá trị căn nhà 185 Hai Bà Trưng được.

Từ đó, luật sư Hoài đề nghị HĐXX tuyên bà Diệp không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Diệp khẳng định, mình không lừa đảo ai cả. “Trong suốt quá trình điều tra đến nay, tôi chưa bao giờ thừa nhận thế chấp căn nhà số 57 Cao Thắng”, bị cáo Diệp khẳng định.

Theo bị cáo Diệp, trong 28/10/2008, công ty Bạch Diệp Dương và Agribank TP.HCM đã ký 2 hợp đồng vay tổng cộng 23.000 lượng vàng, thế chấp tài sản số 57 Cao Thắng và 181 Hai Bà Trưng. Các khoản vay này sau đó được bị cáo thanh toán đủ gốc và lãi. 

Nữ bị cáo cho rằng, Agribank đã làm giả hồ sơ bà vay 8.700 lượng vàng, tài sản thế chấp là nhà 57 Cao Thắng.

Bị cáo Diệp đưa ra dẫn chứng là hợp đồng công chứng thế chấp này không có trong hệ thống công chứng, hệ thống của sở Tư pháp và vào thời điểm công chứng bà đang đi Quy Nhơn. 

“Tôi là nạn nhân mà bị án chung thân. Tôi không nghĩ dành cả đời mình để đánh đổi số tiền đó… Tôi là người dễ dãi, tin người, và Agribank đã lừa tôi”, bị cáo Diệp nói trước tòa. 

“Agribank mới là đơn vị bị lừa”?

Trong khi đó, luật sư Lê Hồng Nguyên - bảo vệ quyền và lợi ích cho Agribank lại khẳng định, việc thế chấp giữa Agribank và công ty của bà Diệp là có, thể hiện ở hợp đồng công chứng đang lưu tại Phòng công chứng số 1.

Theo luật sư, công ty Bạch Diệp Dương đã thế chấp tài sản số 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng tại Agribank.

Tuy nhiên, hợp đồng này ban đầu không được công chứng vì tại thời điểm vay, tài sản chưa đứng tên công ty Diệp Bạch Dương. Đến tháng 12/2008, công ty được cấp chủ quyền căn nhà này nên mới tiến hành thế chấp cho Agribank.

Để chứng minh, luật sư Nguyên cung cấp hợp đồng thế chấp nhà 57 Cao Thắng bản chính, có chữ ký tươi của người đại diện theo pháp luật của công ty Diệp Bạch Dương, lời chứng của công chứng viên thuộc Phòng công chứng số 1.

Đồng thời, phía Agribank đã chủ động liên hệ với Phòng công chứng số 1 và được trả lời rằng, hiện nay toàn bộ hồ sơ công chứng về việc thế chấp nhà 57 Cao Thắng đang được Phòng công chứng số 1 lưu giữ.

Theo luật sư Nguyên, việc bị cáo Diệp nói rằng sở Tư pháp, Phòng công chứng số 1 không lưu giữ hợp đồng thế chấp là không đúng. Từ đó, luật sư khẳng định, có quan hệ thế chấp giữa công ty Diệp Bạch Dương với Agribank.

Đồng thời, luật sư Nguyên đánh giá, khi bị cáo Diệp cung cấp thông tin không trung thực cho ngân hàng, về việc tài sản số 185 hai Bà Trưng đã có sổ nhưng lại nói chưa có. Sau đó bị cáo lại đem thế chấp cho ngân hàng khác vay tiền, chứ không đem thế chấp thay cho tài sản số 57 Cao Thắng như thỏa thuận trước đó. Như vậy, Agribank mới là đơn vị bị lừa.

Luật sư cho rằng, nhà 57 Cao Thắng hiện đang bảo đảm cho khoản dư nợ lên đến 5.000 tỷ đồng. Việc hoán đổi tài sản nhà nước với tài sản tư nhân là vi phạm quy định.

Đồng thời, công ty Diệp Bạch Dương chỉ xin hoán đổi chứ không tặng, cho, hiến tặng căn nhà 57 Cao Thắng cho Nhà nước nên UBND TP.HCM không có cơ sở xác lập nhà 57 là tài sản nhà nước. 

Từ đó, luật sư đề nghị tòa chấp nhận ý kiến của viện kiểm sát, tuyên hủy quyết định xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà 57 Cao Thắng của UBND TP.HCM, buộc trung tâm Ca nhạc nhẹ giao căn nhà này cho Agribank để xử lý nợ.

Bên cạnh đó, luật sư đại diện cho Agribank đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo Diệp vì là khách hàng của Agribank, tuổi cao sức yếu.

Tuy nhiên, đề nghị này bị HĐXX bác bỏ, bởi Agribank được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên không có quyền ý kiến về hình phạt đối với các bị cáo.

Ngoài luật sư Nguyên, phòng công chứng số 1 cũng có văn bản gửi tòa, khẳng định có hợp đồng thế chấp vay tài sản của công ty Diệp Bạch Dương và Agribank. Phòng công chứng vẫn lưu bản gốc của toàn bộ hồ sơ và cũng đã cung cấp toàn bộ hồ sơ này cho HĐXX.

Theo văn bản gửi tòa, Phòng công chứng số 1 lý giải, sở dĩ không tìm thấy hợp đồng thế chấp trên hệ thống lưu trữ là bởi tại thời điểm ký hợp đồng (tháng 12/2008), bộ Tư pháp chưa có hệ thống lưu trữ trên mạng như hiện nay. 

VKS bảo lưu quan điểm truy tố bà Diệp tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tranh luận đối đáp, đại diện VKS khẳng định, tất cả các tài liệu như giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng thế chấp (có công chứng tại Phòng công chứng số 1 và đã được đăng ký giao dịch bảo đảm), hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ ngày 31/12/2008 đã xác định rõ đều do bị cáo Diệp ký.

Hồ sơ điều tra - Nhiều bất ngờ tại phiên tòa xử đại gia Dương Thị Bạch Diệp (Hình 2).

Các bị cáo tại tòa.

Theo VKS, để đảm bảo cho khoản vay 67.000 lượng vàng tại Agribank, công ty Diệp Bạch Dương dùng 15 tài sản, trong đó có tài sản 57 Cao Thắng và đã được Agribank giải ngân vào tài khoản của công ty Diệp Bạch Dương.

Do tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp vay tại Agribank nên sau khi hoàn thành sửa chữa công trình 57 Cao Thắng, bị cáo Diệp ký văn bản mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng để hoàn thiện hồ sơ hoàn công tại sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM.

Đồng thời, cam kết hoàn trả toàn bộ hồ sơ, tài sản thế chấp và ký lại hợp đồng thế chấp cho Agribank.

Dù tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp vay vốn, nhưng bị cáo Diệp đã cung cấp hồ sơ gian dối để làm thủ tục hoán đổi.

Từ hành vi gian dối này, các bị cáo khác trong vụ án đã tham mưu, đề xuất, chấp thuận hoán đổi tài sản; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng cho công ty Diệp Bạch Dương trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ngoài ra, VKS cũng cho rằng, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không dùng tài sản này thế chấp thay cho tài sản 57 Cao Thắng, để rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng giao cho Nhà nước, mà lại đem tài sản 185 Hai Bà Trưng đi thế chấp cho ngân hàng khác để vay 160 tỷ đồng, đến nay cũng chưa trả.

Từ đó, đại diện VKS bảo lưu quan điểm truy tố, đề nghị tòa tuyên bị cáo Diệp phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xuất hiện tình tiết bất ngờ, tòa triệu tập thêm hàng loạt cá nhân có liên quan

Đối đáp lại với VKS, luật sư Phan Trung Hoài - luật sư bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp chỉ ra 6 điểm khác biệt giữa hồ sơ Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp cho hội đồng xét xử và hồ sơ do cơ quan tố tụng thu thập.

Trong đó, đáng chú ý là tờ trình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà 57 Cao Thắng đề ngày 13/1/2010, nhưng trong hồ sơ ghi lập ngày 4/1/2011.

Trong đó, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường, bút phê 2 lần đề ngày 20/1/2010, trong khi ông Đoàn Thành và ông Đào Anh Kiệt ký ngày 20/1/2011 và 25/1/2011.

Bên cạnh đó, nhiều giấy tờ, tờ trình, hợp đồng vay ký không trùng khớp ngày theo hồ sơ vụ án với những tài liệu mà đơn vị liên quan cung cấp và luật sư thu thập được.

Đồng thời, luật sư Hoài bất ngờ xuất trình cho hội đồng xét xử tài liệu mới là thỏa thuận 3 bên giữa công ty Diệp Bạch Dương – công ty TNHH TMDV Phan Thành - Agribank.

Trong đó, thể hiện số 185 Hai Bà Trưng là tài sản đang thế chấp tại Agribank. Đến 19/9/2014, công ty Diệp Bạch Dương và công ty Phan Thành ký hợp đồng thuê nhà 185 Hai Bà Trưng với sự đồng ý của Agribank.

Tranh luận bổ sung, bị cáo Diệp thể hiện sự bức xúc và cho rằng, hồ sơ thế chấp là giả mạo và đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo về vấn đề này.

Tranh luận với luật sư, đại điện sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa nhận, trong biên nhận có một số điểm chưa trùng khớp, nhưng khẳng định hồ sơ là thật.

Vị này cho rằng, việc có sự không trùng khớp là do ông Phạm Ngọc Liên nhầm lẫn, nhưng tài liệu này đã có chữ ký của ông Đào Anh Kiệt vào năm 2011.

Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường và cũng là bị cáo trong vụ án này) cũng cho rằng, có sự nhầm lẫn vì bà Cao Linh, ông Thành và ông Kiệt đều ghi ký vào năm 2011.

Hồ sơ điều tra - Nhiều bất ngờ tại phiên tòa xử đại gia Dương Thị Bạch Diệp (Hình 3).

Bị cáo Đào Anh Kiệt.

Trước tình tiết bất ngờ này, HĐXX quyết định triệu tập bổ sung ông Đoàn Thành, bà Cao Linh, ông Phạm Ngọc Liên là các cán bộ sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, ký tên trên tờ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 57 Cao Thắng để làm rõ sự mâu thuẫn về mặt thời gian.

Đồng thời, tòa triệu tập đại diện Phòng công chứng số 1 để tham gia tranh luận tại phiên tòa sáng nay (25/3).

Tại tòa, đại diện UBND TP.HCM cho rằng, sở Xây dựng TP.HCM trước đó có tờ trình gửi UBND TP này về việc xác lập sở hữu Nhà nước tài sản 57 Cao Thắng. Trong đó, không có thông tin nhà 57 Cao Thắng đang thế chấp ngân hàng. Căn cứ vào tờ trình, UBND TP.HCM mới xác lập tài sản này của Nhà nước. Trường hợp tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp thì không thể xác lập sở hữu Nhà nước.

Xem thêm: lmth.184905a-peid-hcab-iht-gnoud-aig-iad-ux-aot-neihp-iat-ogn-tab-ueihn/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều bất ngờ tại phiên tòa xử đại gia Dương Thị Bạch Diệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools