- Sử dụng điện thoại trong lớp học: Nên không?
- Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Cần thiết nhưng phải có giới hạn
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV do Trưởng ban Dân nguyện trình bày, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.
Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%. Trong đó, cử tri đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt với tinh thần trách nhiệm nên hoạt động của Quốc hội đạt hiệu quả cao. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được các ĐBQH tiếp thu, phản ánh khi đóng góp xây dựng pháp luật và trong hoạt động chất vấn.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. |
Một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân được đông đảo cử tri quan tâm như: việc đầu tư, xây dựng một số tuyến đường cao tốc; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực… đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lựa chọn giám sát. Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, UBTVQH đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công, đảm bảo lựa chọn được những đại biểu có đủ năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại diện của Nhân dân.
Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp nhận 1.807 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.773 kiến nghị, đạt 98,1%. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tiếp thu giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học, Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về các hành vi học sinh không được làm gồm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Toàn cảnh hội trường. |
Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 8 địa phương đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn. Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT cho rằng, về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.
Qua giám sát cho thấy, Bộ GD&ĐT giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.
Từ đó, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.
Đồng thời cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện sự tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.