Sáng 25-3, theo nghị trình, QH đã nghe Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện trưởng.
Người đứng đầu phải “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”
Báo cáo trước QH, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với ông là “coi trọng công tác cán bộ”. Cụ thể, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ, chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của Ngành theo phương châm “động và mở”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: quochoi.vn
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng chủ trương mạnh dạn phân công giao việc để thử thách cán bộ, qua đó phát hiện được những nhân tố mới. Đồng thời, thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để tạo môi trường mới, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ và chủ động phòng ngừa sự trì trệ, tiêu cực, nhất là những vị trí nhạy cảm, những khâu, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
Ông Trí nói ông cũng đã yêu cầu người đứng đầu VKS các cấp phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc…
Trong nhiệm kỳ, ngành cũng thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Cụ thể, toàn ngành đã giảm 171 đơn vị cấp phòng, tinh giản 1.032 biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị…
Báo cáo cũng thể hiện ngành kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp trong công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. “Viện trưởng VKSND Tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ”- ông Trí nói và cho biết các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm đã được giảm mạnh.
Gần 200 công chức ngành kiểm sát bị xử lý kỷ luật Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao cho thấy trong nhiệm kỳ 2016-2021, ngành KSND đã xử lý kỷ luật 196 công chức vi phạm, trong đó khiển trách 104 người, cảnh cáo 36 người, buộc thôi việc 9 người... Đồng, thời, đã khởi tố, xử lý hình sự 6 công chức. |
Một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Minh Trí thừa nhận trong nhiệm kỳ, ngành vẫn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Đáng chú ý, “do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan” nên vẫn còn một vài chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu QH như: còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan và trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm...
Theo ông Trí, những hạn chế, tồn tại trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do số vụ việc, vụ án tăng nhiều trong tất cả các lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ tăng theo quy định mới của pháp luật. Trong khi đó, các đơn vị đều phải chấp hành cắt giảm biên chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, một số chỉ tiêu ngành Kiểm sát không thể tự quyết định như: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan tới hoạt động của Cơ quan điều tra, tỷ lệ chấp nhận kháng nghị có liên quan tới hoạt động xét xử của Tòa án...
“Mặc dù những tồn tại, hạn chế này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số vụ việc, vụ án phải giải quyết và kết quả năm sau tốt hơn năm trước nhưng Viện trưởng và toàn ngành Kiểm sát vẫn nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình để trong thời gian tới có biện pháp khắc phục và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa”- ông Trí nói.
Kiến nghị tăng thêm hoặc giữ nguyên biên chế
Trong phần kiến nghị, ông Lê Minh Trí đề nghị QH quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị của VKS trong kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời quan tâm có cơ chế chính sách về cán bộ và điều kiện, trang bị phương tiện làm việc phù hợp.
“Thực tế Kiểm sát viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ là kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra như các Điều tra viên của Cơ quan quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhưng hiện nay chế độ chính sách và kinh phí hoạt động của ngành Kiểm sát được cấp theo kinh phí cơ quan hành chính, không đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nên cần được xem xét, quan tâm hơn trong thời gian tới”- ông Trí nói.
Cũng theo Viện trưởng VKSND Tối cao, tình hình tội phạm ngày càng tăng nhanh, yêu cầu về nhiệm vụ, trách nhiệm của VKS theo quy định của các đạo luật tư pháp mới tăng nhiều hơn so với trước, kỷ luật Đảng đối với cán bộ tư pháp có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm khắc nên đã tạo áp lực trách nhiệm nặng nề đối với ngành Kiểm sát.
“Nếu không được tăng biên chế thì ngành Kiểm sát đề nghị giữ nguyên biên chế ban đầu thì mới giảm áp lực quá lớn về trách nhiệm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hiện nay của đội ngũ Kiểm sát viên”- ông Trí nói và nhấn mạnh thời gian qua ngành Kiểm sát đã chấp hành nghiêm việc tinh giản biên chế, nhưng do thực tiễn công việc của Ngành hiện nay thấy việc thiếu biên chế là vấn đề hết sức khó khăn nên vẫn kiến nghị.
41 trường hợp bị truy tố oan Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp ghi nhận số bị can bị VKS truy tố được toà án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội “giảm nhiều”. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án “chưa đáp ứng yêu cầu”. Điều này dẫn tới việc còn để xảy ra 41 trường hợp bị truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội. Cạnh đó, có 765 trường hợp VKS truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến Tòa án phải xét xử về khoản khác hoặc tội danh khác tội danh VKS đã truy tố; 178 trường hợp VKS phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. “Chất lượng tranh tụng của một số Kiểm sát viên tại phiên tòa còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động tranh luận, đối đáp, đi đến cùng các ý kiến của người bào chữa nên chưa thuyết phục”- cơ quan thẩm tra nhận định. |