Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo sáng 25-3 - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 25-3, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV nghe báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia đến tháng 3-2021.
Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nhiều nội dung, trong đó có công tác quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức, chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua Hội đồng Bầu cử quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm kinh phí phục vụ bầu cử.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chỉ đạo việc lập dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử, trong đó đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, các ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Qua tổng hợp cho thấy dự toán của các địa phương xây dựng tương đối lớn, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương (51/63 ủy ban bầu cử các tỉnh, thành và 2 cơ quan trung ương) năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2016.
Cụ thể, năm 2016 phân bổ khoảng 1.444 tỉ đồng; số quyết toán ngân sách trung ương năm 2016 là khoảng 1.373 tỉ đồng, trong đó của các địa phương quyết toán là 1.336 tỉ dồng; các bộ, cơ quan trung ương khoảng 36 tỉ đồng.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, một số địa phương xây dựng dự toán kinh phí phục vụ bầu cử năm 2021 chưa căn cứ vào định mức chi tiêu hiện hành. Nhiều địa phương lập dự toán theo gói, chưa có thuyết minh nội dung chi cụ thể.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc, tiêu thức và mức phân bổ kinh phí bầu cử năm 2021 để làm cơ sở phân bổ kinh phí cho các địa phương, các bộ, cơ quan trung ương triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để kịp thời đảm bảo kinh phí cho các địa phương, các bộ, cơ quan triển khai nhiệm vụ phục vụ công tác bầu cử năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Thủ tướng tạm cấp kinh phí phục vụ công tác bầu cử (đợt 1) là 733.322 triệu đồng.
Trong đó, 17.490 triệu đồng là kinh phí bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương; 715.832 triệu đồng là kinh phí bổ sung có mục tiêu cho các địa phương.
Căn cứ hướng dẫn của các cơ quan ở trung ương, các địa phương đã xây dựng kế hoạch kinh phí, phân bổ kinh phí tạm ứng cho chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức phụ trách bầu cử để bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí thực hiện công tác bầu cử. Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử.
Đến ngày 14-3, có 76 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tính đến 17h ngày 14-3, sơ bộ đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu; 76 hồ sơ tự ứng cử.
Nhìn chung, hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội đảm bảo kê khai theo đúng quy định. Một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ đã được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định.
Cũng theo thông tin sơ bộ, ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã nhận được 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó có 7.448 hồ sơ của người ứng cử được các cơ quan nhà nước, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.
TTO - Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP, chủ tịch Ủy ban bầu cử TP.HCM - đề nghị như vậy tại buổi họp của Ủy ban Bầu cử TP.HCM ngày 2-3.