Theo báo cáo thẩm tra công tác của ngành Kiểm sát Nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Tư pháp cho biết trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt được một số kết quả. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của VKSND ngang cấp tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận một số năm chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý năm 2020, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận giảm mạnh so với năm 2019.
"Một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính", báo cáo của Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.
Sáng nay (25/3), Quốc hội nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đáng chú ý theo Uỷ ban Tư pháp, tình trạng e ngại, nể nang cũng xảy trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính của ngành Toà án nhân dân nhiệm kỳ qua.
Cụ thể, trong báo cáo thẩm tra công tác của ngành Tòa án nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Tư pháp cho biết tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, thì đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Theo báo cáo, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan
Cũng trong báo cáo thẩm tra về công tác của ngành Kiểm sát Nhân dân, tại nội dung công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Uỷ ban Tư pháp cho biết Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tương tự trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Uỷ ban Tư pháp cho vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; Viện Kiểm sát nhân dân phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên phải rút kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!