Các dịch vụ tài chính tiêu dùng đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong 10 năm qua, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những vấn đề, rào cản cần giải quyết. Trong khi số lượng công ty hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực này có khá khiêm tốn thì FE CREDIT được coi là tên tuổi nổi bật nhất.
Là diễn giả tại Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng: Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE CREDIT đã có nhiều chia sẻ về chặng đường 10 năm phát triển công ty, cũng như bức tranh thị trường, cũng những tâm tư và khó khăn của người trong cuộc.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết tính đến tháng 11 vừa qua, FE CREDIT đã có mặt trên thị trường tài chính tiêu dùng được 10 năm. Công ty vốn xuất phát từ mảng tín dụng tiêu dùng, nằm trong khối khách hàng cá nhân của VPBank.
Thời điểm 2010-2011, có một số công ty cung cấp dịch vụ cho vay tiền để mua xe máy và VPBank cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, sau một năm, nhận thấy thị trường xe máy rất tiềm năng do lượng tiêu thụ lớn, nhưng nhu cầu của người dân không chỉ nằm ở xe máy mà còn nhiều thứ khác. Vì thế, VPBank đã phát triển và cung cấp sản phẩm mới, đó là cho vay tiền mặt.
“FE CREDIT là công ty đầu tiên cung cấp sản phẩm cho vay tiền mặt để đáp ứng được nhiều nhu cầu của người dân hơn. Đến năm 2014, hưởng ứng chủ trương của Chính Phủ, tách hoạt động cho vay tiêu dùng ra khỏi ngân hàng, chúng tôi đã mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản và chuyển toàn bộ danh mục cho vay tiêu dùng sang công ty mới.
Đến 2017, chúng tôi nhận thấy dù khách hàng của mình có thu nhập thấp nhưng nhu cầu thanh toán không tiền mặt, thanh toán trên mạng, mua hàng qua thương mại điện tử tăng mạnh nên đã ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng. FE CREDIT cũng trở thành công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên phát hành thẻ tín dụng. Đến ngày hôm nay, chúng tôi đã phát hành được 2,2 triệu thẻ tín dụng, 19.500 điểm bán hàng dịch vụ với hơn 4 triệu khách hàng hiện hữu”, Phó Tổng giám đốc FE CREDIT chia sẻ.
Quy trình, thủ tục cho vay cũng ngày càng được rút gọn nhờ sự phát triển của công nghệ. Trước kia, khi cho vay mua xe máy, khách hàng phải đợi một ngày hoặc qua đêm, còn khi cho vay tiền mặt thì FE CREDIT cần 1 tuần để đánh giá khách hàng. Đến hiện tại, khách hàng rất dễ dàng tiếp cận, chỉ cần sử dụng ứng dụng điện thoại và có thể được duyệt vay trong vòng 20 phút.
Tuy nhiên, để có những thành tích ấy, theo ông Nguyễn Thành Phúc, công ty phải vượt qua không ít khó khăn. Là một công tài chính, FE CREDIT không được phép huy động tiền gửi cá nhân nên phải đi vay. Không những vậy, ban đầu, do chưa có tên tuổi, mảng tài chính tiêu dùng lại quá rủi ro nên không nhà băng trong nước nào dám cho FE CREDIT vay. Do đó, những lần đầu tiên, công ty này phải vay tiền từ ngân hàng nước ngoài.
“Về sau, các ngân hàng trong nước mới bắt đầu cho chúng tôi vay tiền. Có những ngân hàng uy tín, họ đưa cả phòng quản trị rủi ro gồm 40 người đến đánh giá công ty. Đến hôm nay, trừ vài ngân hàng quốc doanh, đa số các ngân hàng đều cho chúng tôi vay tiền, kể cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”.
Dần dần, các nhà băng nhận thấy tài chính tiêu dùng tín chấp không quá rủi ro như tưởng tượng, bắt đầu gia nhập thị trường này, dù hình thức có thể khác. Ông Nguyễn Thành Phúc cho rằng với tỷ lệ hơn 60% dân số đang ở độ tuổi 18-60, tiềm năng của tài chính tiêu dùng còn rất lớn.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc FE CREDIT, để các công ty trong ngành phát triển, điều quan trọng nhất là phải để thị trường phát triển tự nhiên, theo nhu cầu.
“FE CREDIT hay các công ty khác đều hoạt động kinh doanh dựa trên cơ sở rủi ro và lợi ích. Chúng tôi có cho vay hay không, cho vay bao nhiêu, lãi suất thế nào thì đều phải xét xem họ có trả nợ được không,... Tất cả những điều ấy, “bàn tay vô hình” ấy đã điều chỉnh được tất cả các mối quan hệ về kinh tế của người vay và cho vay. Việc áp dụng thêm nhiều quy định, luật pháp chưa phù hợp chỉ càng gây khó khăn cho thị trường”.
Ông lấy ví dụ, FE CREDIT là công ty tài chính tiêu dùng, 100% khoản cho vay là tín chấp. Trong khi đối với cho vay thế chấp, gần đến hạn, người cho vay được gọi điện nhắc nhở, nếu không trả thì sẽ bán tài sản thế chấp. Nhưng với tín chấp, không có tài sản đảm bảo, nên theo ông Phúc, nếu không được gọi điện thì làm sao đòi nợ.
“Từng lúc, từng nơi, từng nhân viên đôi khi có hành vi không đúng nhưng về tổng thể, không có một tổ chức tín dụng hay công ty tài chính nào cố tình vi phạm pháp luật cả”, Phó Tổng giám đốc FE CREDIT nhấn mạnh.
Hoàng Thùy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị