Theo đó, ngày 29/01/2021, xảy ra vụ cháy tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nội thất 5F (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh), làm thiệt hại 300m2 diện tích nhà xưởng, 30 tấm nhựa PVC loại 1x2m, 2x4m, 50 cuộn chỉ và một số bao bì. Trước đó, ngày 14/01/2021 xảy ra vụ cháy tại Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Hùng Hiệp (phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh), làm thiệt hại 220m2 diện tích nhà xưởng, một số nguyên liệu và vật dụng khác; làm cháy 100m2 nhà số 2751/3B và nhà trọ giáp bên trái Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Hùng Hiệp cũng bị ảnh hường cháy, rạn nứt tường…
Từ công tác điều tra, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân gây cháy là do chạm chập đường dây dẫn điện. Đây là nguyên nhân chính gây nên các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Quá trình kiểm tra thực tế, Phòng PC07- Công an TP Hồ Chí Minh xác định một số lỗi mà các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ thường vi phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC), đó là: hoạt động không đúng công năng, công tác vệ sinh công nghiệp không đảm bảo, bố trí sắp xếp hàng hóa không khoa học, đường dây dẫn điện không được vệ sinh, không bọc lớp vỏ cách nhiệt, bụi gỗ bám vào lâu ngày sẽ phát sinh gây cháy...
Đặc tính của gỗ là dễ bắt cháy, khi cháy thì tỏa nhiệt lớn, giữ nhiệt lâu, vận tốc cháy lan nhanh, nhiều khói độc nên gây nhiều khó khăn cho việc di tản tài sản và chữa cháy. Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ từ gỗ như phôi bào, mùn cưa, vụn gỗ thường tập trung trong các xưởng mộc dễ trở thành vật dẫn cháy, bắt cháy nhanh hơn khi có chập cháy điện hoặc tia lửa phát sinh trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, một trong những tác nhân gây ra nguy cơ cháy cao nhất đó chính là các sản phẩm sơn tạo màu hay vecni trong chế biến gỗ. Các loại hóa chất này sử dụng dung môi pha chế là xăng dầu nên dễ bay hơi, tích tụ trong xưởng.
Vì vậy, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo các cá nhân, doanh nghiệp cần phải thường xuyên kiểm tra thực tế các nội dung liên quan đến công tác PCCC, cụ thể cần phải kiểm tra lại:
1. Hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy:
Giao thông: Chiều rộng đường giao thông, khả năng di chuyển và tiếp cận cho xe chữa cháy hoạt động; (đường giao thông phải có chiều rộng ≥ 4m; các phân xưởng phải có ít nhất 2 lối tiếp cận).
Nguồn nước: Lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận và hút nước của xe chữa cháy.
2. Hệ thống điện:
Phải có 2 nguồn điện độc lập (hệ thống điện phục vụ chiếu sáng, bảo vệ PCCC và hệ thống điện phục vụ sản xuất); hệ thống điện trong môi trường nguy hiểm cháy nổ phải là hệ thống điện phòng nổ.
Đối với hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt kiểm tra các phụ tải phát sinh ngoài thiết kế hoặc đấu nối thêm thiết bị điện tiêu thụ điện, công suất thiết bị quá tải...Thay thế các hệ thống dây dẫn điện cũ, nát, mục, các đường dây quá tải, đấu mắc không đúng quy cách.
Trong hệ thống mạng điện phải có thiết bị bảo vệ như cầu dao, aptomat đúng quy định. Ở những dây chuyền công nghệ có sử dụng dung môi, hóa chất, khí đốt hóa lỏng hoặc có nhiều bụi có thể tạo thành nồng độ nguy hiểm cháy, nổ. Hệ thống và thiết bị điện nhất thiết phải là loại phòng nổ.
Thực hiện nghiêm việc cắt toàn bộ hệ thống điện khi hết giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, nghỉ ca.
3. Hệ thống chống sét:
Chống sét đánh thẳng cho các công trình xây dựng trong cơ sở (cột thu lôi, dây thoát sét, cọc tiếp địa, các mối nối);
Chống sét cảm ứng cho máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ (cột thu lôi, dây thoát sét, cọc tiếp địa, các mối nối);
4. Việc niêm yết và thực hiện nội quy PCCC phù hợp với đặc điểm sản xuất của cơ sở, quy trình vận hành máy móc, thiết bị của dây chuyền công nghệ; quy trình sử dụng, bảo quản dung môi dễ cháy trong quá trình sản xuất.
5. Điều kiện lối thoát nạn khi có sự cố:
Số lượng lối thoát nạn, chiều rộng, chiều cao thông thủy cửa thoát nạn, hành lang, lối đi, hướng mở cửa...
Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn trên hành lang, cầu thang lối đường, cửa thoát nạn...
Việc sắp xếp vật tư, hàng hóa che chắn, làm cản trở lối, đường, hành lang, cầu thang, cửa thoát nạn...
6. Việc trang bị hệ thống, thiết bị PCCC đảm bảo theo quy định
Đối với hệ thống báo cháy tự động (nếu có) cần kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống.
Đối với hệ thống họng nước chữa cháy: kiểm tra trữ lượng bể nước chữa cháy, nguồn cấp và thời gian bổ sung nước vào bể, kiểm tra hoạt động của các máy bơm chữa cháy (chính và dự phòng) theo thông số kỹ thuật đã thiết kế. Lưu ý chỉ trang bị máy bơm chữa cháy có động cơ đốt trong khi không có nguồn điện dự phòng, máy bơm phải được đấu nối cố định vào hệ thống và phải đảm bảo hoạt động không chậm quá 3 phút kể từ khi có tín hiệu báo cháy theo đúng quy định của tiêu chuẩn, kiểm tra độ kín của van, số lượng vòi, lãng chữa cháy lắp đặt ở từng họng nước chữa cháy.
Kiểm tra các bình chữa cháy di động xách tay về số lượng, chủng loại, vị trí bố trí trang bị phù hợp với tính chất hoạt động, kiểm tra chất lượng bình và chế độ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ của cơ sở, kiểm tra số lượng, chất lượng các phương tiện PCCC khác phải trang bị theo quy định.
Kiểm tra việc bố trí lực lượng PCCC cơ sở theo chế độ làm việc của cơ sở, việc phân công nhiệm vụ, trực của đội PCCC cơ sở, việc huy động lực lượng này khi có cháy, nổ xảy ra.
Kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra trong khu vực sản xuất của mình phụ trách trong quá trình sản xuất.
7. Kiểm tra hệ thống thông gió hút bụi phải làm việc liên tục, phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để hạn chế đến mức tối thiểu bụi gỗ, phoi bào, mùn cưa bám vào máy móc, các thiết bị điện, tường, sàn, gầm nhà, công trình...
Kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống thông gió tự nhiên tại các nhà xưởng để tránh tạo ra môi trường nguy hiểm về cháy, nổ trong quá trình sản xuất.
Kiểm tra tình trạng hoạt động đối với hệ thống thông gió cục bộ của các xưởng cưa, bào, chà nhám, đánh bóng, sơn và phun sơn.
8. Kiểm tra kho chứa nguyên liệu phục vụ sản xuất và thành phẩm, bán thành phẩm phải chú ý việc sắp xếp nguyên liệu, thành phẩm và bán thành phẩm đúng quy định, tạo khoảng cách chống cháy lan; phải có tường ngăn cháy. Đối với các kho thiết bị bảo vệ, ổ điện, bảng điện phải bố trí bên ngoài, bóng đèn chiếu sáng phải đặt trong chụp kín bảo vệ.
9. Đối với dây chuyền công nghệ, kiểm tra các bộ phận hoạt động có khả năng phát sinh tia lửa, nguồn nhiệt do ma sát hoặc va chạm khi máy hoạt động. Phát sinh tia lửa do ổ trục bị khô dầu mỡ ma sát mạnh gây ra; phát sinh tia lửa do sử dụng mạng lưới điện và máy móc thiết bị không an toàn hoặc do tĩnh điện gây ra.
10. Kiểm tra công tác vệ sinh công nghiệp tại các nhà xưởng sản xuất, kho nguyên liệu, kho thành phẩm, bãi phế liệu và các khu vực phụ trợ khác... Kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC trong việc sử dụng dung môi pha sơn, pha sơn (biện pháp, giải pháp bảo vệ, cách ly các chất dễ cháy như sơn, bột màu, dung môi dễ cháy trong quá trình sản xuất và bảo quản; bảo quản và dự trữ sơn, bột màu, dung môi tại nơi sản xuất phải có kho chứa riêng biệt; quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt...)
11. Khoảng cách an toàn PCCC, chống cháy lan, tình trạng vi phạm hoặc lấn chiếm khoảng cách sử dụng trái mục đích như: trông xe, bố trí dây chuyền sản xuất hoặc làm nơi để nguyên vật liệu, thành phẩm có thể dẫn tới cháy lan.
Khoảng cách an toàn giữa các hạng mục công trình trong cơ sở;
Khoảng cách an toàn đối với các công trình lân cận;
Khoảng cách an toàn trong sắp xếp vật tư, hàng hóa;
Giải pháp ngăn cháy giữa các khu vực có tính chất nguy hiếm cháy, nổ khác nhau trong dây chuyền công nghệ, giữa kho nguyên liệu, kho chứa thành phẩm, bán thành phẩm với khu vực sản xuất.
12. Việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại những nơi đã có quy định cấm lửa (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt nhang, thắp nến, hút thuốc lá...)
13. Kiểm tra việc thay đổi tính chất, công năng sử dụng như xây dựng, cải tạo, cơi nới... yêu cầu cơ sở phải trình hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.
14. Việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC qua các lần kiểm tra trước.