Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin nơi này đang triển khai thực hiện các nội dụng liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực do đơn vị này quản lý.
Đơn vị này đưa ra kế hoạch khắc phục gồm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng cường hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ hai xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ ba thanh tra, kiểm tra và xử lý một số vấn đề còn tồn đọng trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nữ thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Cục quản lý lao động ngoài nước thông tin thêm sau khi kết thúc thời điểm thanh tra, đầu năm 2019, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Thanh tra Bộ, thảo luận, làm rõ và đề ra các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục những vấn đề còn tồn tại, các khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ cùng Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoạt động hoặc có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo qui định.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra toàn diện việc các doanh nghiệp thu và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài theo hợp đồng.
Hồi tháng 12-2020, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của Cục Quản lý lao động ngoài nước như tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản; trong thời gian dài không có biện pháp tham mưu Bộ LĐ-TB&XH giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan và Nhật Bản...