Sáng 25-3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021. Hội nghị được tổ chức tại bốn đầu cầu TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ.
“Đồng giá” 25.000 đồng/nguyện vọng
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, thành viên Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết nên xem xét lệ phí của thí sinh trong giai đoạn hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết hiện nay quy trình xét tuyển từ Bộ GD&ĐT cho đến cơ sở giáo dục đào tạo và Sở GD&ĐT phụ trách các địa phương là trực tuyến 70%. Đây là con số đáng khích lệ và cần tăng thêm trong thời gian tới. Bởi ngành giáo dục đang trong bối cảnh chuyển đổi số. Chính điều này sẽ phần nào tác động đến lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh.
“Nếu tất cả quy trình chúng ta dựa trên nền tảng trực tuyến thì chắc chắn chi phí giao dịch sẽ thấp. Do vậy tôi ủng hộ phương án nếu người học tiềm năng tham gia vào hệ thống đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ đầu đến cuối thì sẽ có phí thấp, còn người học nào vừa đăng ký trực tuyến vừa dùng phiếu thì sẽ có mức phí khác” - ông Hoài nói.
Tại hội nghị, đại diện các trường, Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT đã trao đổi và đề xuất mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển nên “đồng giá” 25.000 đồng/nguyện vọng, trong đó 15.000 đồng để lại Sở GD&ĐT. 10.000 đồng còn lại phân bổ về các trường - nơi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển để có kinh phí xét tuyển. Những năm trước, mức lệ phí xét tuyển chung là 30.000 đồng/nguyện vọng.
Băn khoăn quy định ba lần điều chỉnh nguyện vọng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bày tỏ băn khoăn về việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tối đa ba lần theo dự thảo quy chế vừa công bố.
Theo ông Hoài, đây là chính sách ưu đãi dành cho người học. Khi có kết quả thi THPT, người học và phụ huynh sẽ bàn bạc thật kỹ về việc điều chỉnh nguyện vọng. “Do đó, tôi nghĩ việc này cần cân nhắc bởi sẽ khiến hệ thống lọc ảo bị chậm. Nếu vẫn giữ ba lần điều chỉnh nguyện vọng thì tự động hóa, trực tuyến cao và chốt thời gian, không thể nới lỏng để thí sinh điều chỉnh một cách tùy tiện” - ông Hoài bày tỏ quan điểm.
Thí sinh tham gia xét tuyển bằng học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm. Ảnh: PHẠM ANH
Tại đầu cầu Đà Nẵng, phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng chia sẻ một số trường mong muốn chỉ cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng hai lần và ấn định thời gian để việc này diễn ra 10 ngày, đảm bảo công tác lọc ảo và tính chủ động cho các trường.
Liên quan đến việc điều chỉnh nguyện vọng ba lần trong dự thảo, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, khẳng định: “Việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ba lần không ảnh hưởng đến thời gian các trường. Dù có thay đổi số lần điều chỉnh nguyện vọng nhưng thời gian vẫn giống như các năm trước, không kéo dài thêm. Sau khi các em điều chỉnh xong nguyện vọng, bộ mới đóng hệ thống, các trường mới tải dữ liệu. Như vậy, sự thay đổi này không ảnh hưởng đến quy trình lọc ảo và sử dụng dữ liệu của trường, chủ yếu giúp học sinh tránh mọi sai sót trong quá trình thay đổi nguyện vọng so với ban đầu”.
Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đưa ra ý kiến đề thi tốt nghiệp THPT năm nay cần có sự phân hóa cao hơn, dù vẫn đảm bảo mục tiêu là phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi theo PGS-TS Ngọc Khôi, những năm gần đây kết quả thi khá cao nên có năm điểm chuẩn của trường trên 29 điểm, rất khó cho nhà trường trong việc phân biệt năng lực của thí sinh.
Chế tài trường không nhập thông tin trúng tuyển?
TS Trần Hữu Duy, Trưởng Phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, lại đề cập đến một tình trạng diễn ra vài năm trở lại đây.
“Có một số ngành đào tạo số lượng thí sinh trúng tuyển quá thấp, khi xét tuyển các trường cố tình đặt điểm chuẩn lên rất cao để đánh rớt thí sinh. Trường hợp thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng xem như rớt ĐH dù điểm rất cao. Để giải quyết tình trạng này, trước thời điểm thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, bộ cho phép các trường rà soát bổ sung, điều chỉnh đề án tuyển sinh. Các ngành tiên liệu ít quá thì cho phép dừng tuyển sinh để các em điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác, trường khác. Thứ hai, đề nghị Bộ GD&ĐT có chế tài nghiêm khắc đối với các trường xét tuyển bằng các phương thức khác nhưng không chịu cập nhật danh sách trúng tuyển lên hệ thống của bộ trước thời điểm thực hiện quyết định xét tuyển bằng kết quả thi THPT. Bởi năm ngoái xảy ra nhiều trường hợp thí sinh trúng tuyển bằng phương thức học bạ nhưng vẫn trúng tuyển bằng phương thức thi THPT” - ông Duy nói.
Về vấn đề cho phép trường dừng ngành học nếu ít thí sinh đăng ký xét tuyển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết vấn đề này đã được thực hiện từ năm ngoái. Nếu trường quyết định dừng tuyển sinh ngành đó vì số lượng thí sinh đăng ký quá ít thì phải thông báo với thí sinh để điều chỉnh. “Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ khóa mã ngành trên hệ thống để thí sinh không đăng ký, không điều chỉnh. Vẫn còn xảy ra tình trạng trên có thể do một số trường sơ suất không thực hiện nên vẫn còn giữ mã ngành trên hệ thống. Vấn đề này rất quan trọng, lưu ý các trường thực hiện ngay” - bà Thủy nhắn nhủ.
Trước ý kiến chế tài về những trường không nhập thông tin thí sinh đã trúng tuyển, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ: “Những trường nào không nhập thông tin thí sinh đã trúng tuyển ở các phương thức khác trước khi lọc ảo sẽ gây khó khăn cho toàn hệ thống. Chúng tôi sẽ cân nhắc xem xét tham mưu với lãnh đạo bộ để tìm ra giải pháp tốt hơn trong thời gian tới”.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết tuyển sinh năm 2021 sẽ giữ ổn định, cải tiến về mặt kỹ thuật có lợi cho học sinh. Trong năm 2021, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong khâu thi cử, xét tuyển. Các trường phải tăng cường thanh tra nội bộ, đảm bảo kỳ thi được thực hiện nghiêm minh. Phía Sở GD&ĐT lập kế hoạch hướng dẫn các trường, các điểm tiếp nhận nguyện vọng thí sinh để hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến…
Năm nhóm ngành có tỉ lệ nhập học thấp nhất năm 2020 PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết trong năm 2020, bên cạnh những ngành học có tỉ lệ tuyển sinh cao, có những ngành có số lượng thí sinh nhập học ít hơn so với chỉ tiêu tuyển. Đặc biệt, với tỉ lệ nhập học năm 2020 là 41,43% (năm 2019 là 34,58%), khoa học tự nhiên là nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp nhất trong toàn hệ thống. Kế đến là nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường. PGS-TS Thủy cũng cho biết thêm có một thực tế trong năm 2020 là mặc dù tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (gần 127%) nhưng tỉ lệ nhập học lại thấp do nhiều trường chưa nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Một số trường THPT còn chạy theo thành tích bằng cách khuyến khích những thí sinh không có nguyện vọng học ĐH đăng ký xét tuyển. Điều này đã khiến tỉ lệ thí sinh nhập học vênh so với số lượng thí sinh trúng tuyển. |