Phiên giao dịch ngày 25/3 của thị trường chứng khoán Việt Nam đi theo chiều hướng khó lường. Các chỉ số tăng điểm ngay từ đầu phiên nhờ sự hồi phục của nhiều cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh nhanh chóng xuất hiện và khiến các chỉ số đảo chiều. Sự giằng co giữa bên mua và bên bán đã tạo ra những đợt tăng, giảm điểm đan xen của các chỉ số.
Sau giờ nghỉ trưa, thông tin về một ca nghi nhiễm Covid-19 xuất hiện ở Hà Nội được cho là đã kích hoạt áp lực bán mạnh, điều này tác động xấu đến diễn biến của thị trường chung. Dù vậy, tình trạng nghẽn lệnh vẫn diễn ra và khiến VN-Index không còn biến động mạnh nữa khi chỉ đi ngang quanh mốc tham chiếu. Cuối giờ chiều, ca nghi nhiễm này có kết quả âm tính.
Các cổ phiếu lớn trên thị trường phiên 25/3 phân hóa mạnh, trong đó, VIC lại là cái tên được nhắc đến khi tăng 2,3% lên 110.400 đồng/cp. VIC tiếp tục là nhân tố chủ chốt nâng đỡ VN-Index và trong phiên 25/3, cổ phiếu này tạo động lực rất lớn giúp chỉ số này chốt phiên trong sắc xanh.
Bên cạnh đó, VIC còn gây bất ngờ khi có giao dịch thỏa thuận lên đến 7,75 triệu cổ phiếu ở mức giá 109.000 đồng/cp, tương ứng giá trị là 812 tỷ đồng. Toàn bộ giao dịch thỏa thuận này là do khối ngoại mua ròng.
Bên cạnh VIC, 2 cổ phiếu bất động sản lớn là BCM và NVL cũng kết phiên trong sắc xanh. BCM tăng 1,5% lên 55.800 đồng/cp, NVL tăng 0,3% lên 80.000 đồng/cp. Trong khi đó, VRE giảm 1,6% xuống 32.850 đồng/cp, còn VHM giảm 0,5% xuống 96.700 đồng/cp.
Còn tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa cũng diễn ra rõ nét, trong đó, các cổ phiếu như PVL, SGR hay FLC vẫn giao dịch tích cực và đều được kéo lên mức giá trần. FLC đã chính thức vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT của FLC đã thực hiện được “lời hứa” đưa FLC lên mệnh giá, dù trễ hẹn 2 lần vào năm 2019 và 2020.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như PFL, CRE, IDV, HPX, CII... cũng có được mức tăng giá mạnh trong phiên 25/3.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn rất nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ giảm giá. Trong đó, CEO giảm 4,7% xuống 12.100 đồng/cp và khớp lệnh 4,2 triệu cổ phiếu, FIT giảm 3,7% xuống 10.400 đồng/cp và khớp lệnh 4,6 triệu cổ phiếu, ITA giảm 1,7% xuống 6.750 đồng/cp và khớp lệnh 10,6 triệu cổ phiếu. DXG giảm 0,8% xuống 23.950 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,29 điểm (0,11%) lên 1.163,1 điểm. Toàn sàn có 205 mã tăng, 245 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,5 điểm (-0,56%) xuống 267,19 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 127 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,15%) xuống 80,38 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 19.020 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 805 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 4.023 tỷ đồng. Có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là FLC, HQC và LDG. Trong đó, FLC khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 55,5 triệu cổ phiếu; HQC và LDG khớp lệnh lần lượt 14 triệu cổ phiếu và 13 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại nhờ vào việc mua ròng thỏa thuận đột biến VIC nên tính chung toàn thị trường dòng vốn này đã mua ròng trở lại 284 tỷ đồng, qua đó chấm dứt chuỗi 24 phiên bán ròng liên tiếp. VRE và VHM là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, bên cạnh VIC thì NVL, KBC và CII đều là các cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã chững đà giảm dù chỉ số VN30 vẫn giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp. Với 2 phiên kiểm nghiệm lại ngưỡng 1.155 điểm thành công ở VN-Index trong phiên chiều qua và ở phiên sáng 25/3, tín hiệu thị trường nghiêng về khả năng VN-Index sẽ tiếp tục dao động trong vùng tích lũy, vì vậy, chiến lược giao dịch là mua ở vùng hỗ trợ và canh bán ở vùng cận trên vùng tích lũy./.
Xem thêm: lmth.35220000042210202-3-52-neihp-gnort-hnam-gnor-aum-iaogn-iohk-coud-civ/nv.semitaer