Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu sáng 26-3 - Ảnh: Quochoi.vn
Cần sự liêm chính trong xây dựng luật
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đồng tình cao với báo cáo của Quốc hội khóa XIV và cho rằng các đại biểu Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm đại biểu của dân.
Trong những tâm tư gửi đến Quốc hội, ông Bộ đặt vấn đề về sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật.
Đại biểu An Giang nhấn mạnh pháp luật không phải công cụ thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nếu có sự liêm chính sẽ "không quy định lợi ích thô thiển của một số bộ ngành, đặc biệt là các bộ ngành được giao soạn thảo".
Sự liêm chính, theo ông Bộ, sẽ giúp xây dựng được những văn bản khách quan, không chồng chéo. Thiếu hoặc không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra sẽ tạo ra những văn bản "khuyết tật", có lợi ích xung đột với nhân nhân.
Chỉ ra trong nhiệm kỳ Quốc hội này vẫn có sự thiếu liêm chính, đặc biệt là thiếu liêm chính có chủ ý, dù rất ít, trong hoạt động soạn thảo, xây dựng luật khiến các hồ sơ trình ra Quốc hội mất thời gian thảo luận, ông Bộ đề nghị các đại biểu luôn nghĩ đến sự liêm chính trong phát biểu đối với các dự án luật.
Chặn đứng tham nhũng chính sách
Trong bài phát biểu dài trọn 7 phút không soạn sẵn trên giấy, nữ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chia sẻ những băn khoăn của bản thân trong hoạt động Quốc hội.
Bà Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra những nguy cơ tham nhũng chính sách - Ảnh: Quochoi.vn
Bà Mai cho rằng Quốc hội đã thông qua những đạo luật chất lượng, song có thể nhận thấy những quy định nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách, hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì tạo hành lang pháp lý bảo vệ tham nhũng.
Bà Mai chỉ ra những khía cạnh có thể tồn tại nguy cơ tham nhũng chính sách như các quỹ tài chính ngoài ngân sách, quản lý đất đai, ưu đãi tài chính, phân cấp, phân quyền các dự án... Nữ đại biểu Hà Nội cho rằng cần quan tâm đề cao ý kiến của người dân, doanh nghiệp chịu tác động của chính sách, nâng cao hoạt động thẩm tra.
Một đại biểu khác của Hà Nội, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng nhiệm kỳ này đã có bước tiến mới về dân chủ trong các hoạt động tranh luận, chất vấn, giám sát và tiếp dân. Bản thân ông đã tự do thể hiện quan điểm mà không bị hạn chế, tác động.
Ông Trí đề nghị tiếp tục làm sao để các buổi tiếp xúc cử tri không phải tiếp xúc với đồng chí mà tiếp xúc với đồng bào. "Nếu nguyện vọng của nhân dân không được quan tâm thấu lý đạt tình thì nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chưa đạt", ông Trí nói.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng Quốc hội khóa XIV đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, có sự chuyển biến về chất từ tham luận sang tranh luận. Ông mong Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách cơ chế dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, đồng thời quan tâm đến chất lượng, số lượng các đại biểu chuyên trách.
TTO - Nhiều Đại biểu Quốc hội góp ý cần đặc biệt đánh giá, xem xét lại việc làm luật cũng như hoạt động tiếp xúc và chất lượng đại biểu.
Xem thêm: mth.31730410162301202-hcas-hnihc-gnuhn-maht-oc-yugn-ar-ihc-ioh-couq-ueib-iad/nv.ertiout