Thảo luận tại hội trường về các báo cáo của Quốc hội sáng 26-3, nhiều ĐB bày tỏ nhiều nhận định về công tác giám sát của Quốc hội. Các ý kiến đều đánh giá cao nhiều thành tựu trong công tác giám sát, nhưng cũng không ít băn khoăn.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) coi việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp là một hoạt động người dân kỳ vọng, cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực toả sáng thêm một lần và cũng là nơi đòi hỏi các vị ĐBQH thể hiện tinh thần thẳng thắn dám đấu tranh khách quan, công bằng.
Nhưng bà cho rằng: hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.
“Trong hoạt động vừa qua, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khoá XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực và những đóng góp của những người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng. Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được câu hỏi của người dân rằng “ông/bà thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai kể.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm với ba mức "tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp". Ảnh: QH
Bà cho rằng: đằng sau câu hỏi đó là băn khoăn lo lắng của người dân và cử tri chờ đợi điều gì nhiều hơn thế. ĐB của Hà Nội cho rằng cần phải đánh giá việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Theo đó, ba mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tin nhiệm thấp” có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. “Nhiều ý kiến cho rằng, việc để 3 mức như vậy sẽ khó so sánh trong đánh giá kết quả vừa những người được lấy phiếu tín nhiệm”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.
Mặt khác, trong cả nhiệm kỳ việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ tiến hành một lần và có ý kiến cho rằng nên chăng thực hiện hai lần trong nhiệm kỳ.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhắc lại yêu cầu phải tăng cường giám sát, đặc biệt chú trọng hậu giám sát mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nêu ngay từ kỳ họp đầu tiên. ĐB Nhưỡng nhận định cả nhiệm kỳ Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Tuy vậy, ĐB Nhưỡng cho rằng: “Giám sát của Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn. Cử tri cho rằng Quốc hội, cơ quan của Quốc hội dường như đang cố ý né tránh, bàng quang trước thực trạng hiện hữu mà cử tri và nhân dân mong muốn phải làm rõ vấn đề xác định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, nhất là những người đầu”.
Theo ĐB của Bến Tre, có thể có nguyên nhân từ cơ chế, điều kiện bảo đảm hiệu quả giám sát. Vì vậy ông kiến nghị nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành nghị quyết tăng cường năng lực, tiềm lực, hiệu quả giám sát Quốc hội, HĐND.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị không được biến Quốc hội thành "căn phòng kín để gom nhóm lợi ích, chia chác quyền lực", Ảnh: QH
“Quốc hội cần xây dựng là Quốc hội nhân văn không chỉ là trung tâm quyền lực mà còn trung tâm của đoàn kết. Quốc hội cần công bằng, phần bổ nguồn lực, kiểm soát nguồn lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực”, ĐB Nhưỡng nói.
Nhiều ĐB khác như Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì đề cập đến giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực tư pháp và đề nghị tăng cường công tác này để các vụ án được giải quyết tốt hơn, tránh oan sai và đạt được nhiều chỉ tiêu cao hơn nữa.
Một số ĐB đề nghị công tác giám sát phải kịp thời không để xảy ra tình trạng xảy ra các sự cố rồi thì lúc đó Quốc hội, các UB của Quốc hội mới vào cuộc. Đặc biệt, nhiều ĐB đề xuất phải giám sát sâu sắc hơn các công tác liên quan đến sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự xã hội.
Đặc biệt, có ĐB đề nghị phải thay đổi chế độ cho các ĐBQH chuyên trách được biệt phái. ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng: Cha ông ta có câu “ăn cây nào rào cây ấy”. Các ĐBQH chuyên trách được Chính phủ biệt phái sang Quốc hội nhưng không “ăn cơm Quốc hội” thì làm sao toàn tâm toàn ý làm việc cho Quốc hội.