Những thương hiệu thời trang nổi tiếng của phương Tây như H&M, Nike đang phải đối mặt với sự tẩy chay ở Trung Quốc sau khi bày tỏ nỗi lo ngại về cáo buộc rằng những người lao động Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức sản xuất bông vải ở Tân Cương.
H&M, nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới của Thụy Điển, cũng như hai hãng giày nổi tiếng toàn cầu là Nike và Adidas cùng những thương hiệu khác cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề, đài CNN cho biết.
Chiến dịch tẩy chay hàng phương Tây của Trung Quốc
Sự phẫn nộ diễn ra sau khi một hội nhóm trên mạng xã hội đăng tải những tuyên bố của H&M về vấn đề ở Tân Cương lên Weibo, một trang mạng xã hội dạng tiểu blog của Trung Quốc.
Trước đó, trong tuyên bố được đưa ra hồi tháng 9-2020, H&M nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" trước các báo cáo về vấn đề lao động cưỡng bức trong sản xuất bông vải ở Tân Cương.
Người dân Trung Quốc đi ngang qua một cửa hàng của H&M. Ảnh: CNN
Một bài đăng trên mạng xã hội gần đây của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc có vẻ như đã châm ngòi cho cơn thịnh nộ mới nhất.
"Vừa tung tin tẩy chay bông Tân Cương, vừa muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Mộng tưởng!" - bài viết được đăng trên Weibo sáng 24-3.
Bài đăng đã thu hút nhiều lời chỉ trích nhắm vào H&M từ người dùng ở Trung Quốc, bao gồm hashtag "Tôi ủng hộ bông Tân Cương" trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo với hơn 1,8 tỉ lượt xem.
"Quần áo của H&M là đồ giẻ rách, không xứng với bông Tân Cương của chúng ta!" - một người dùng Weibo bình luận và nhận được nhiều lượt thích.
Những gã thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba (BABA) và JD.com thậm chí còn loại bỏ tất cả các mặt hàng của H&M ra khỏi nền tảng của mình sau những phản ứng dữ dội.
Một chi nhánh của thương hiệu thời trang H&M ở Trung Quốc. Ảnh: CNN
Tờ Nhân dân Nhật báo cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với H&M, khẳng định "bông Tân Cương của Trung Quốc là hoàn mỹ”. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cáo buộc các thương hiệu phương Tây "kiếm được nhiều lợi nhuận lớn ở Trung Quốc song lại tấn công đất nước này bằng những lời nói dối".
Nhiều diễn viên nổi tiếng Trung Quốc là đại sứ thương hiệu cho H&M và các hãng thời trang khác đã công khai chấm dứt làm việc với những công ty này, CNN đưa tin.
Phản hồi của các thương hiệu phương Tây
Trong một tuyên bố đăng vào tối cùng ngày trên Weibo, H&M khẳng định họ luôn duy trì các tiêu chuẩn sản xuất cao, cũng như tính minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
“Những tuyên bố ấy không thể hiện bất kỳ quan điểm chính trị nào. Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc" - theo tuyên bố của H&M.
H&M, Nike đang phải đối mặt với sự tẩy chay ở Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Trong vòng vài giờ tiếp theo đó, những lời chỉ trích nhắm vào H&M đã lan sang Nike. Trước đó gần một năm, công ty này đã nói rằng họ "lo ngại trước các báo cáo về lao động cưỡng bức ở Tân Cương”.
“Nike không sử dụng nguồn cung nguyên vật liệu từ Tân Cương và chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp theo hợp đồng của mình rằng họ không sử dụng hàng dệt hoặc sợi kéo từ khu vực này” - Nike đưa ra tuyên bố.
Ngay sau khi tuyên bố của Nike xuất hiện trên Weibo, nam ca sĩ kiêm diễn viên Trung Quốc Vương Nhất Bác (Wang Yibo) nói rằng anh đã cắt đứt quan hệ với Nike và “kiên quyết phản đối mọi nhận xét và hành động bôi nhọ Trung Quốc”.
Trên thực tế, trong năm qua, một số công ty phương Tây đã công khai tuyên bố sẽ kiểm tra chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để đảm bảo không có sản phẩm bông Tân Cương nào được sử dụng sau những cáo buộc có lao động cưỡng bức ở khu vực này.
Căng thẳng tăng cao giữa Trung Quốc và các nước phương Tây
Những lo ngại về vấn đề ở Tân Cương còn làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia phương Tây.
Một cửa hàng của H&M vào buổi tối. Ảnh: BBC
Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người thiểu số trong các trại "cải tạo" và sử dụng họ làm nguồn lao động để sản xuất hàng hóa cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu về vấn đề Tân Cương đã gây ra làn sóng phản đối mới từ chính phủ Trung Quốc. Nước này phản biện rằng đây chỉ là những "trung tâm đào tạo nghề" nhằm chống lại nạn đói nghèo và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh còn áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với các quan chức phương Tây, cáo buộc họ "truyền bá những lời nói dối một cách ác ý".
Trong khi đó, trước phản ứng dữ dội của ngưởi dân về những thương hiệu lớn của phương Tây, một số công ty ở Trung Quốc đã bắt đầu quảng cáo việc sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương, theo CNN.
Thương hiệu thời trang thể thao Trung Quốc Anta Sports đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng mặt hàng bông vải từ Tân Cương, trong khi nhà bán lẻ Nhật Bản Muji bắt đầu quảng cáo các sản phẩm làm bằng "bông Tân Cương".