Theo Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, trong năm 2021, công nghệ 5G sẽ được triển khai trên diện rộng tại Việt Nam và khả năng các thiết bị 5G Make in Vietnam xuất hiện như một giải pháp thay thế chất lượng và tiết kiệm chi phí.
2025: 5G đóng góp 7,34% vào GDP
Đây là con số theo nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. 5G sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP lên đến 7,34% vào năm 2025 là con số gia tăng ít nhiều tạo bất ngờ. Bởi những nghiên cứu trên thế giới trước đây cho rằng, Internet đóng góp từ 1-1,5% vào GDP hàng năm.
Với công nghệ 5G, bản chất chính là đường dẫn rộng mở đến các kết nối, từ đó sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế số phát triển và quá trình chuyển đổi số trong xã hội diễn ra nhanh chóng hơn. Đóng góp của 5G vào nền kinh tế mạnh mẽ hơn, thậm chí hỗ trợ tích cực hơn trong việc thúc đẩy các ngành sản xuất, giáo dục, giải trí… trong thời đại Công nghiệp 4.0.
Tính đến thời điểm cuối tháng 2.2021, Việt Nam đã có hơn 17 triệu thuê bao băng rộng cố định và gần 70 triệu thuê bao băng rộng di động (4G). Việt Nam có tỉ lệ thuê bao băng rộng di động trên dân số ở top đầu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam - đặc biệt là mảng hướng đến người dùng đầu cuối như di chuyển, giao hàng, gọi đồ ăn - phát triển sôi động.
Internet băng rộng thúc đẩy chuyển đổi số kinh tế
Chuyển đổi số kinh tế không chỉ diễn ra trong nội bộ các doanh nghiệp, trong công tác quản lí, điều hành, sản xuất và còn cả ở khâu cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng cũng chính là những người dùng đầu cuối.
Theo báo cáo nghiên cứu của “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020” do Google cùng với Temasek và Bain phối hợp thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam đã đạt tổng giá trị 14 tỉ USD. Việt Nam cũng nằm trong các quốc gia tốp trên của khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế số phát triển sôi động.
Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những yếu tố mang tính nền tảng hỗ trợ phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số hiện đại có băng thông rộng và tốc độ cao trong đó không thể thiếu công nghệ 5G; các chính sách liên quan tới kinh tế số, công nghệ số, Internet phải có tính cạnh tranh toàn cầu; chi tiêu công cho sản phẩm công nghệ số, đi đầu về kinh tế số thông qua xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số nhằm tạo ra thị trường ban đầu để phát triển doanh nghiệp công nghệ số; nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 316 cho phép thí điểm Mobile Money sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Mobile Money là một trong những phương thức thanh toán điện tử, có thuận lợi triển khai khi Việt Nam có hơn 70% dân số sử dụng điện thoại di động. Đặc biệt, dịch vụ mới này sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn…
Xem thêm: odl.499298-man-teiv-et-hnik-nen-oav-oan-eht-uhn-pog-gnod-es-g5/et-hnik/nv.gnodoal