Con đường này chỉ dài 1,5 km, rộng rãi, thẳng tắp, có dải phân cách cứng, trồng hoa hai bên đường rất đẹp… Thế nhưng, hiện giờ đang trở thành nỗi ám ảnh mỗi ngày của người lao động và người dân nơi đây vì khói bụi, bùn lầy, bốc mùi và cả tai nạn tự té ngã.
Đầu tiên, chúng tôi muốn nói đến những lớp bùn dày và đặc quánh trên con đường này, lớp bùn này đến từ đâu? Xin thưa, lớp bùn này có là do mỗi ngày, hơn 300 chiếc xe chở rác ra vào 2 lượt để chở rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS) để xử lý. Trong số hơn 300 chuyến xe chở rác này, có nhiều xe bị cũ kỹ nên nước rỉ rác chảy xuống lòng đường gây hôi thối, làm mục đường và tạo nên một lớp bùn nhão nhẹt trên mặt đường.
Ngoài ra, tuyến đường này mỗi ngày còn đón nhận thêm hơn hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ, chở bùn thải vào Nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh (thuộc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh) nằm liền lề Nghĩa trang Đa Phước (thuộc ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Những chiếc xe này, khi vận chuyển thiếu che chắn, để bùn thải rơi vãi trên mặt đường. Đây là hai nguyên nhân chính làm cho tuyến đường này trở nên lầy lội, trơn trượt, thường xuyên gây tai nạn cho người đi vào đoạn đường này.
Đơn cử vào lúc 7 giờ sáng, ngày 25-3, chị Kiều Thị Hồng Vân (46 tuổi, nhân viên của Công ty VWS) khi chạy xe máy đi làm vào tuyến đường này bị té ngã dập mặt và xây xác chân tay. Chị phải đến trạm xá gần đó để khâu vết thương. Chị Vân cho biết, đây là lần thứ hai chị bị té ngã, lần trước cách đây khoảng một năm. Dù biết đây là tuyến đường trơn trợt nguy hiểm, chị đã chủ động chạy xe rất chậm nhưng vẫn không tránh khỏi hậu quả. Chị Vân cũng cho biết thêm, nhân viên của Công ty VWS thường xuyên bị té ngã trên đoạn đường này. Đặc biệt. những người bị té nặng thường là những người đi đến viếng nghĩa trang Đa Phước, bởi vì họ không quen đường nên ngã rất nặng. Vì họ tự đi, tự ngã nên cũng không biết bắt đền ai nên họ cũng không báo cáo chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng.
Nạn nhân của tuyến đường này không chỉ là những người bị té ngã, mà còn là những hộ dân sống ở hai bên đoạn đường. Anh Trần Quốc Việt, chủ quán cà phê ngay ngã ba quốc lộ 50 và đường dẫn vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước bao năm nay cũng phải thường xuyên chịu cảnh hít mùi hôi thối do bùn thải và nước rỉ rác từ tuyến đường bay vào. Anh Việt ngán ngẫm nói, đoạn đường bị lầy lội đâu phải chỉ mới đây, việc này đã diễn ra nhiều năm nhưng tại sao chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không chịu giải quyết để người dân phải luôn chịu khổ sở. Từ trước đến giờ, nhiều người đi đường bị té ngã nhưng may mắn là chưa có tử vong. “Đây là tuyến đường xe tải và xe chở rác vào ra thường xuyên, nếu chẳng may người đi đường bị trợt bánh ngã vào gầm xe tải thì ai là người chịu trách nhiệm”, anh Việt đặt câu hỏi.
Những bất cập, rủi ro tiềm ẩn trên tuyến đường này đã được báo chí nói nhiều lần nhưng chưa được cải thiện. Và, hôm nay - chúng tôi xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất dưới đây, được chính người dân và chuyên gia sinh sống, làm việc ngay trên tuyến đường ghi lại vào sáng ngày 25-3-2021.
Chúng tôi hy vọng thông qua những hình ảnh này, rất mong chính quyền, cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng giải quyết nhằm sớm trả lại môi trường sống trong lành của người dân nơi dây và sự an toàn khi tham gia giao thông của cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi nghĩ sẽ không quá khó để “chỉ mặt, gọi tên” những nguyên nhân và trách nhiệm liên đới của các đơn vị cố tình vi phạm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông trên con đường này.
Một người đi xe máy vừa bị ngã do trơn trợt vì bùn… và may mắn khi bên cạnh là một chiếc xe tải đang lưu thông
Trước đó vài phút, một người đi xe máy cũng bị té ngã do đường trơn trợt…
Ở chiều ngược lại, khi trời vừa hé nắng, những chiếc xe chở bùn thải không che chắn theo quy định bắt đầu hoạt động…
Những chiếc xe tải chở bùn thải làm rơi vãi trên đoạn đường từ quốc lộ 50 vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sáng 25-3
Và mặt đường đọng lại những lớp bùn đặc quánh, dày đến cả tấc…
Được biết, ngay trong ngày 25-3, Công ty VWS đã gửi hai văn bản kiến nghị khẩn cấp lên Sở TN&MT và UBND TP.HCM với mong muốn các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm vào cuộc xử lý.