Những cú lội ngược dòng lãi suất
Phan Minh Ngọc
(KTSG) - Đại dịch Covid-19 nổ ra, đẩy nhiều nước vào tình cảnh tăng trưởng âm. Giải pháp đối phó tiêu chuẩn là tung ra các gói chi tiêu, kích thích kinh tế vô tiền khoáng hậu để chống Covid-19, bảo vệ việc làm và thu nhập cho người dân. Nói như nhà Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Carmen Reinhart thì chúng ta nên lo để chiến thắng Covid-19 trước đã, sau đó mới nên lo chuyện trả giá thế nào (cho cuộc chiến này).
Quả thật, trong năm 2020 đã có rất nhiều nước trên thế giới đi theo hướng này. Nguồn tài trợ cho các gói này chủ yếu là từ tiền in ra bởi ngân hàng trung ương nước sở tại. Kết cục là tăng trưởng có nhúc nhắc phục hồi nhưng lạm phát thì cũng đã có dấu hiệu tăng trở lại, và tăng mạnh ở một số nước.
Ngân hàng trung ương những nước này đứng trước tình thế lưỡng nan: Nếu ngừng mua trái phiếu kho bạc và/hoặc nâng lãi suất cơ bản để chặn đà tăng của lạm phát thì tăng trưởng đang trên đà hồi phục sẽ bị phanh gấp, nghèo đói và bất ổn xã hội sẽ tiếp tục gia tăng; nhưng nếu quyết định “sống chung” với lạm phát thì áp lực lạm phát tiếp tục tích tụ đến một mức nào đó cũng sẽ gây những đổ vỡ cho nền kinh tế và xã hội, kéo tụt tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm.
Điều rút ra được từ việc lội ngược dòng tăng lãi suất trên, cũng như từ lý thuyết, là để kiềm chế lạm phát và ổn định bản tệ thì sẽ gần như chẳng có giải pháp mang tính thị trường nào ngoài tăng lãi suất. |
Như vậy, chọn cái nào trong số hai lựa chọn này sẽ là một quyết định có tính phân hóa cao trong số các nước có cùng hoàn cảnh, chủ yếu là các nước đang phát triển. Bên cạnh một số ít nước tiếp tục hạ lãi suất cơ bản như Romania, Mexico và Indonesia, chủ yếu với lý do là lạm phát trong mấy tháng đầu năm 2021 vẫn đang ở mức thấp trong khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc, đa phần các nước sẽ cố gắng duy trì chính sách nới lỏng và các gói kích thích của mình có từ năm trước với hy vọng rằng lạm phát, nếu có, chỉ là tạm thời trong bối cảnh phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc, và lạm phát vẫn trong phạm vi mục tiêu đề ra - tuy mục tiêu này có thể cũng đã được điều chỉnh cao lên (các nước màu xanh da trời trong hình dưới đây).
Nhưng chỉ trong mấy ngày liên tiếp gần đây, từ 17-3 đến 19-3, đã có ba nước là Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga lội ngược dòng tăng mạnh lãi suất cơ bản, bất chấp đà hồi phục kinh tế còn mong manh. Điểm chung của ba nước này là lạm phát đã tăng tốc lên mức cao, và đồng bản tệ suy yếu đáng kể so với đô la Mỹ, đặc biệt từ khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Ở Brazil, lạm phát năm đã lên tới 5,2% vào tháng 2-2021, là mức cao nhất trong bốn năm qua, vượt quá mức mục tiêu cho năm nay là 3,75%. Trong khi đó, đồng real đã mất giá 7% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 17-3 đã tăng mạnh lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2,75%, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên 3,5% vào tháng 5 tới.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-3 đã tăng lãi suất cho vay tái chiết khấu kỳ hạn một tuần từ 17% lên 19%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự đoán của thị trường. Lạm phát đã tăng vọt lên 15,6% vào tháng 2-2021 và 15% trong tháng 1-2021. Đồng lira của nước này đã mất giá hơn 8% so với đô la Mỹ từ giữa tháng 2. Ngân hàng trung ương nước này cho biết việc tăng mạnh lãi suất cơ bản là một động thái đi trước và thắt chặt mạnh mẽ thêm (chính sách tiền tệ).
Trong khi đó, ngày 19-3, Nga tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, lên 4,5% trong một động thái gây ngạc nhiên với thị trường. Bối cảnh tăng lãi suất là lạm phát năm tăng lên 5,8% vào ngày 15-3, là mức tăng nhanh nhất trong bốn năm qua. Tỷ giá rúp/đô la Mỹ giảm thêm 4% tính từ đầu tháng 2. Ngân hàng trung ương nước này cho biết họ định tăng mạnh hơn nhưng sau đó quyết định sẽ tăng lãi suất từ từ, và thêm rằng: “Nếu trì hoãn tăng lãi suất thì lạm phát sẽ tăng tốc và kỳ vọng lạm phát sẽ không giảm đi. Điều này sẽ làm tăng hơn nữa lạm phát so với mục tiêu và sẽ cần phải tăng mạnh lãi suất hơn trong tương lai”. Như vậy, cũng có thể nói đây là một hành động đi trước mang tính phòng ngừa.
Những nước đã tăng lãi suất gần đây còn là những nước chủ động tăng lãi suất mang tính phòng ngừa bởi lo sợ rằng nếu không tăng sớm và tăng mạnh thì thậm chí phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa trong tương lai. |
Điều rút ra được từ việc lội ngược dòng tăng lãi suất trên, cũng như từ lý thuyết, là để kiềm chế lạm phát (có xu hướng tăng cao, chệch khỏi mục tiêu) và ổn định bản tệ thì sẽ gần như chẳng có giải pháp mang tính thị trường nào ngoài tăng lãi suất dù biết rằng những điều chỉnh chính sách này là điều rất không mong muốn khi nền kinh tế đang vật lộn với hậu quả của đại dịch. Nói cách khác, dù lựa chọn nào cũng đau đớn nhưng lạm phát vẫn là một nỗi sợ hãi lớn hơn đối với một số nước. Thậm chí những nước đã tăng lãi suất gần đây còn là những nước chủ động tăng lãi suất mang tính phòng ngừa bởi lo sợ rằng nếu không tăng sớm và tăng mạnh thì thậm chí phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa trong tương lai.
Nhưng có một số người lại không tin, không muốn nghĩ như vậy. Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, hai ngày sau khi tăng lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Naci Agbal đã bị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất ngờ bãi nhiệm. Đây là vị thống đốc thứ ba bị thay thế bởi ông Erdogan trong vòng chưa đến hai năm. Thay ông này là ông Sahap Kavcioglu, một giáo sư về ngân hàng, là người chỉ trích mạnh mẽ chính sách tăng lãi suất trong khi các nước khác có lãi suất âm.
Ông Kavcioglu cũng là một đồ đệ của trường phái lý thuyết phi chính thống như Tổng thống Erdogan, tin rằng nâng lãi suất sẽ làm tăng lạm phát vì làm tăng chi phí vay mượn và, do đó, là chi phí sản xuất, kinh doanh. Để bảo vệ tỷ giá, ông chủ trương dùng dự trữ ngoại hối, như đã thực hiện từ năm 2018-2020.
Do dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh bởi quy mô can thiệp lên tới hơn 100 tỉ đô la Mỹ chỉ riêng năm 2020 nên nếu ông Kavcioglu quay lại với chính sách cũ - hạ lãi suất - thì, theo các nhà phân tích, nước này sẽ phải thực thi một loạt chính sách phi thị trường để đối phó với các hậu quả của việc hạ lãi suất.
Xem thêm: lmth.taus-ial-gnod-cougn-iol-uc-gnuhn/038413/nv.semitnogiaseht.www