vĐồng tin tức tài chính 365

Nên huy động vốn trong dân để làm đường thay vì vay ODA

2021-03-26 17:38

Nên huy động vốn trong dân để làm đường thay vì vay ODA

Anh Quân

(KTSG) - Trong bối cảnh vốn nhà nước còn rất hạn hẹp, hình thức đầu tư BT và BOT không còn hấp dẫn nhà đầu tư thì đã đến lúc phải tìm các giải pháp mới để huy động vốn làm hạ tầng. Các hình thức như góp vốn cùng nhà đầu tư để khai thác, phát hành trái phiếu công trình được xem là hoàn toàn khả thi và bền vững hơn so với vay vốn ODA. Đây là giải pháp được một số chuyên gia nêu lên tại buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp giao thông TPHCM do Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào tuần trước.

Tìm lời giải tổng hợp cho vấn nạn kẹt xe ở TPHCM

TPHCM phải tổ chức lại không gian đô thị. Ảnh: THÀNH HOA

Kẹt xe do phá vỡ quy hoạch

Từ nhiều năm trước, TPHCM đã xác định đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước để giải quyết vấn nạn kẹt xe. Tuy nhiên, đến nay tình hình ùn tắc giao thông vẫn chưa được giải quyết triệt để và việc đầu tư hạ tầng tại TPHCM vẫn rất chậm. Vì sao đã xác định được hướng đi nhưng tình trạng trên vẫn kéo dài hàng chục năm không thể giải quyết? Đây là câu hỏi được các chuyên gia tiếp tục đặt ra tại  buổi tọa đàm.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đặt câu hỏi tại sao vấn đề ùn tắc giao thông đã tồn tại hàng chục năm ở TPHCM nhưng đến nay lại chưa giải quyết được? Câu hỏi này cũng được chính ông lý giải là do TPHCM thiếu hệ thống giao thông công cộng, trong khi áp lực dân số tăng quá nhanh, kéo theo lượng xe máy tăng mạnh, còn hạ tầng thì không xây dựng kịp.

Nhìn nhận ở góc độ quy hoạch, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, chỉ ra rằng hàng chục năm qua thành phố chỉ đầu tư các dự án nhỏ để giải quyết tạm thời tình trạng ách tắc giao thông. Còn việc đầu tư cho các dự án lớn, các tuyến trục chính thì chưa làm được nhiều.

Lý giải cho tình trạng hạ tầng giao thông chậm xây dựng, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng trước đây việc xây dựng hạ tầng ở TPHCM chủ yếu làm theo hình thức BT và BOT. Khi hình thức BT gặp khó khăn do hết đất để đổi cho nhà đầu tư, BOT thì không được làm trên đường cũ (theo Nghị quyết 437 của Quốc hội) thì nhiều dự án phải chuyển sang đầu tư công. “Tư nhân đầu tư vào hạ tầng phải có lời, thậm chí là lời nhiều thì họ mới tham gia. Khi BT và BOT hết hấp dẫn thì rất khó để thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng”, ông Hòa nói.

Theo các chuyên gia, để giải bài toán ùn tắc giao thông ở TPHCM, thì không chỉ là xây đường và hạn chế xe cá nhân mà cần các giải pháp toàn diện mang tính chất giải quyết cho cả vùng, chứ không phải là các giải pháp tạm thời, đối phó kiểu ở đâu kẹt xe thì mở đường.

Theo ông Phạm Chánh Trực, giải pháp đầu tiên là phải bố trí lại lực lượng sản xuất cho toàn vùng phía Nam để giảm bớt lượng người lao động đổ về TPHCM. Để bố trí lại lực lượng sản xuất thì cần xây dựng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Dọc các nhà ga trên tuyến đường sắt này bố trí các khu công nghiệp, khi đó người lao động không phải lên TPHCM, Bình Dương làm việc sẽ góp phần giảm bớt áp lực về giao thông.

Thứ hai là TPHCM phải tổ chức lại không gian đô thị. “Trước đây, TPHCM đã có quy hoạch nhưng đã phá vỡ quy hoạch khi cho xây quá nhiều cao ốc ở khu trung tâm nên lượng người và xe đổ về trung tâm quá đông. Chủ trương trước đây là TPHCM phải có đa trung tâm nhưng bây giờ chỉ có một trung tâm nên luôn xảy ra ùn tắc”, ông Trực phân tích.

Huy động vốn trong dân thay vì vay ODA

Để có vốn làm nhanh các dự án hạ tầng, mới đây chính quyền TPHCM đã phê duyệt đề án quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, trong đó đáng chú ý là giải pháp thu hồi đất hai bên đường, sau khi tái định cư cho người dân sẽ bán đấu giá để lấy tiền làm chính con đường đó. Về tính khả thi của đề án này, các chuyên gia cảnh báo cần nghiên cứu kỹ nếu không sẽ thất bại.

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nhận định, giải pháp đấu giá quỹ đất hai bên đường để làm hạ tầng rất khó thành công ở các tuyến đường đông dân cư  mà chỉ có thể chỉ thành công ở những nơi thưa dân khi tuyến đường chưa được xây dựng. Sở dĩ TPHCM triển khai thành công đường Nguyễn Hữu Thọ trước đây vì khi đó hai bên đường dân cư còn thưa thớt. “Các nước làm thành công có, thất bại có. TPHCM cần nghiên cứu kỹ. Nếu không cẩn thận lại tạo ra nhà siêu mỏng, siêu méo”, ông Hòa cảnh báo.

Nói về giải pháp đấu giá quỹ đất hai bên đường, ông Phạm Chánh Trực cho rằng, đây là vấn đề rất phức tạp. Nếu là thu hồi đất để làm đường phục vụ mục đích công cộng, giá đền bù Nhà nước đưa ra thường thấp hơn giá thị trường, người dân có thể chia sẻ với Nhà nước. Còn việc thu hồi đất để bán đấu giá là phục vụ mục đích kinh tế, và khi đã làm kinh tế thì phải đền bù cho người dân theo giá thị trường. “Giá thị trường ở đây là giá thực chứ không phải giá ảo, giá trôi nổi”, ông nhấn mạnh.

Còn ông Võ Kim Cương cho rằng, khi thu hồi đất thì phần đất làm đường và phần đất đấu giá phải được đền bù như nhau để tạo sự công bằng cho người dân. Chứ không thể đất làm đường thì đền bù giá thấp, còn đất đấu giá đền bù giá cao, như vậy sẽ tạo ra sự bất hợp lý. “Vấn đề còn lại là việc triển khai phải minh bạch, hài hòa giữa lợi ích của người dân và Nhà nước. Nếu công khai, minh bạch thì người dân mới tham gia”.

Cùng với giải pháp đấu giá quỹ đất hai bên đường để lấy tiền làm hạ tầng, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa đề xuất thêm giải pháp, cho người dân đưa phần đất bị thu hồi góp vào để thành cổ đông và cùng khai thác 20-30 năm với nhà đầu tư, hàng năm người dân được hưởng cổ tức. “Phương án này đã được nhiều nước áp dụng rất thành công”, ông cho biết.

Một đề xuất mà ông Hòa cho rằng mang tính khả thi cao là việc Nhà nước có thể phát hành trái phiếu công trình để huy động vốn trong dân thay vì vay ODA để làm hạ tầng. Ông cho rằng phương án huy động vốn trong dân sẽ bền vững hơn và không phụ thuộc vào nước ngoài. Vay ODA sẽ phụ thuộc nhiều vào chuyên gia, công nghệ.

“Bài toán giao thông của TPHCM không chỉ là xây đường và hạn chế xe mà là một bài toán mang tính tổng hợp. Nếu giải được bài toán này thì huy động vốn đầu tư cho giao thông có lẽ không quá khó”, vị chuyên gia này nhận định.

Xem thêm: lmth.ado-yav-iv-yaht-gnoud-mal-ed-nad-gnort-nov-gnod-yuh-nen/418413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: vay

“Nên huy động vốn trong dân để làm đường thay vì vay ODA”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools