Tự thiêu vì không được trả tiền công
Đầu tháng này, hàng chục tài xế làm việc cho gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Meituan đã xuống đường ở Lâm Nghi, Thâm Quyến và Đồng Hương để phản đối chính sách giảm tiền công nhận được khi giao hàng.
Các cuộc đình công này là một phần của làn sóng phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với các công ty thương mại điện tử ở Trung Quốc liên quan đến cách đối xử với nhân viên. Mặc dù năm 2020 có ít các cuộc đình công do dịch bệnh, nhưng các cuộc đình công của các tài xế giao hàng đã tăng gần gấp 5 lần từ năm 2018 đến năm 2019.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn đã dẫn đến bi kịch vào tháng 1 năm nay, khi một tài xế tự thiêu ở thành phố Thai Châu để phản đối việc không được trả lương.
Theo Newsweek, Liu Jin, 48 tuổi, là tài xế làm việc cho dịch vụ giao hàng thuộc sở hữu của Alibaba có tên Ele.me. Liu có hai con gái và là trụ cột duy nhất của gia đình. Tài xế này bị bỏng 80% cơ thể và đang được quyên góp tiền để chữa trị. Chi tiết về tranh cãi tiền công của Liu với Ele.me không được tiết lộ.
Vụ việc một lần nữa báo động về thực trạng điều kiện việc làm tồi tệ của những người lao động trong nền kinh tế hợp đồng (Kinh tế Gig). Câu chuyện thương tâm này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Ele.me cũng rơi vào một vụ bê bối khác liên quan đến một tài xế giao hàng tử vong khi đang làm việc ở Bắc Kinh.
Theo đó, gia đình người đàn ông xấu số 43 tuổi đã được Ele.me đề nghị bồi thường 2.000 nhân dân tệ (308 USD), đổi lại việc thừa nhận rằng công ty không có quan hệ gì với tài xế này. Sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, Ele.me đã đảo ngược quyết định, bồi thường 600.000 nhân dân tệ (92.604 USD).
Vào năm 2020, các tài xế giao đồ ăn được ca ngợi là người hùng trong thời gian đầu diễn ra dịch bệnh, khi người dân ở các thành phố lớn của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dịch vụ của họ để nhận nhu yếu phẩm hàng ngày.
Tuy nhiên, sự tham gia ngày càng đông đảo vào ngành công nghiệp này đã bộc lộ những phương thức lao động gây tranh cãi, bao gồm thời gian làm việc dài và trả lương thấp.
Lei, một giáo sư xã hội học, đã theo dõi 68 công nhân từ năm 2017 đến năm 2019, khi họ tham gia vào nền kinh tế Gig đang bùng nổ của Trung Quốc. Những người tham gia hầu hết là lao động nam nhập cư, vốn từng làm việc trên dây chuyền lắp ráp cho các công ty như Foxconn.
Trong các nhà máy trước daya, họ làm việc vất vả như những con robot. Các công nhân nói với Lei rằng họ dành phần lớn thời gian chỉ ở ba địa điểm: ký túc xá, nhà máy và nhà ăn của công ty.
Trong khi đó, các công ty giao đồ ăn lớn nhất của Trung Quốc như Meituan và Ele.me đã thúc đẩy tầm nhìn về công việc hợp đồng mang tính tự do hơn, khi bạn có thể tự quy định giờ làm và là ông chủ của chính mình.
Các công nhân đã tưởng tượng ra một viễn cảnh sáng sủa bằng công việc theo hợp đồng, rong ruổi trên những cung đường tự do đi giao hàng. Thế nhưng, các tài xế này đã sớm thất vọng.
Làm việc như robot
Phần lớn trong số 6 triệu nhân viên giao đồ ăn của Trung Quốc thuộc hai loại. Nhân viên dịch vụ, được gọi là zhuansong, có hợp đồng lao động, giờ giấc làm việc bình thường và có cấp trên quản lý. Trong khi đó, nhân viên Gig được gọi là zhongbao, công việc của họ sẽ do một ứng dụng tự điều hành và làm trung gian - giống như các tài xế Uber hay Grab ở nhiều quốc gia.
Trong khi các nhân viên dịch vụ bình thường được hưởng những quy chế trong một hợp đồng công bằng do luật lao động của Trung Quốc điều chỉnh, thì các nhân viên Gig phải chấp nhận một thỏa thuận chung được soạn sẵn và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào theo ý muốn của công ty.
Khi điều gì đó thay đổi, không có chỗ cho thương lượng. Đó là nguyên cớ thúc đẩy cuộc đình công của các tài xế Meituan vào đầu tháng này, khi ứng dụng này đột ngột giảm số tiền mà tài xế kiếm được từ mỗi đơn hàng.
Aidan Chau, nhà nghiên cứu tại China Labour Bulletin, một nhóm giám sát có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Bằng việc ký kết thỏa thuận, họ chấp nhận rằng luật lao động áp dụng cho người lao động chính thức sẽ không được áp dụng cho họ. Những zhongbao này là những người bị bóc lột nhiều nhất và đang gặp khó khăn nhất".
Những tài xế này không phải chịu trách nhiệm trước sự giám sát của con người, thay vào đó, họ bị chi phối bởi những thuật toán khô cứng, máy móc, quyết định nơi họ đi và số lượng giao hàng họ phải thực hiện trong một ngày.
Các ứng dụng thường không tính đến các biến số mang tính chất “người”, chẳng hạn như nhà hàng có vấn đề, đường phố bị tắc nghẽn giao thông hoặc tài xế gặp rắc rối với vấn đề gửi xe hay thang máy đông đúc. Nếu đơn đặt hàng đến muộn hoặc khách hàng phàn nàn, tài xế mặc nhiên bị phạt.
Ngoài các tài xế giao hàng, Lei cũng phỏng vấn một số kỹ sư phần mềm, những người đã giúp thiết kế thuật toán cho các ứng dụng giao đồ ăn của Trung Quốc. Họ cho biết họ được giao nhiệm vụ đạt được các tiêu chuẩn do các công ty đặt ra, chứ không phải giải quyết mối lo ngại từ các tài xế.
Lei nói: “Các công ty có hai mục tiêu: tối ưu hóa doanh thu và trải nghiệm của khách hàng. Công ty đặt ra các thông số. Và các thông số không tính đến điều kiện dành cho người lao động hay cảm giác của họ”.
Lei cho biết Chính phủ Trung Quốc không có khả năng sớm cải thiện mọi thứ cho nhân viên giao hàng. Điều đó một phần có thể là do nền kinh tế của đất nước này dựa vào mối quan hệ hợp đồng để giúp hấp thụ lao động dư thừa.
Sau cùng, những công nhân từ bỏ công việc “robot” tại các nhà máy để tìm đến chân trời mới của nền kinh tế hợp đồng đã không tìm thấy sự tự do mà họ đang tìm kiếm. “Họ lại tìm thấy thứ cảm giác xa lạ, bị coi như một công cụ, thay vì là một con người”, Lei nói.