Người biểu tình tại Monywa, Myanmar tháo chạy khi đụng độ lực lượng an ninh ngày 21-3 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, cảnh báo được phát trên MRTV không lâu sau khi Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) công bố con số 320 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính kể từ ngày 1-2.
"Các bạn nên học được một điều rằng các bạn có thể đối mặt với nguy cơ bị bắn vào đầu và lưng", Reuters trích dẫn một phần bản tin của MRTV ngày 26-3. Thống kê chính thức của chính quyền quân đội hôm 23-3 cho biết đã có 164 người thiệt mạng, trong đó có 9 thành viên lực lượng an ninh.
Nhiều người Myanmar đã kêu gọi nhau xuống đường, tham gia biểu tình toàn quốc vào ngày 27-3 nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội Myanmar.
Theo Reuters, đã có nhiều lo ngại ngày 27-3 sẽ trở thành một ngày "nóng" trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền quân sự và người dân ngày càng tăng. Trụ sở của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân cử bị lật đổ ngày 1-2, đã bị tấn công bằng bom xăng vào cuối ngày 25-3.
Quân đội Myanmar dự kiến sẽ đánh dấu lễ kỷ niệm 76 năm bằng một cuộc duyệt binh phô diễn sức mạnh và sự tự tin. Một số nhà quan sát suy đoán lễ kỷ niệm năm nay sẽ đặc biệt lớn như một cách để đánh dấu sự trở lại chính trường của quân đội.
Hãng thông tấn AFP dẫn các nguồn là những nhóm hoạt động nhân quyền, truyền thông Myanmar cho biết đã có 3 người thiệt mạng khi cảnh sát giải tán cuộc biểu tình tại thành phố Myeik ngày 26-3.
Để tự bảo vệ mình, nhiều nhóm phản đối đảo chính đã nghĩ ra các cuộc biểu tình "không bóng người". Họ sử dụng hình nộm hoặc các hình vẽ, đồ vật và xếp chúng trên đường phố kèm với các khẩu hiệu phản đối đảo chính.
Myanmar rơi vào bất ổn từ ngày 1-2 đến nay khi quân đội lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi và bắt giữ bà. Những người phản đối hành động của quân đội sau đó đã xuống đường biểu tình, yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt và trao lại quyền lực cho chính phủ dân cử.
Cả phe biểu tình và chính quyền quân sự Myanmar đều đổ lỗi cho nhau trong các vụ bạo lực dẫn đến chết người sau ngày 1-2.
TTO - Phong trào phản đối đảo chính (CDM) ở Myanmar đã được 6 giáo sư khoa học xã hội thuộc Đại học Oslo (Na Uy) đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2022.
Xem thêm: mth.54704133262301202-uad-oav-nab-ib-gnuhc-ioc-hnit-ueib-iougn-ramnaym-hnih-neyurt/nv.ertiout