Mỹ lên án làn sóng tẩy chay các thương hiệu phương Tây mà nước này cáo buộc do chính quyền Bắc Kinh chỉ đạo liên quan tới cáo buộc cưỡng bức lao động ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), hãng tin Reuters cho hay.
Dựa trên cáo buộc Bắc Kinh cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ, sau một loạt lệnh trừng phạt chống Trung Quốc từ các chính phủ Mỹ, Canada và châu Âu, một số thương hiệu phương Tây đã thông báo không sử dụng "bông vải Tân Cương", dẫn tới làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc.
Ngày 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter chỉ ra rằng chiến dịch trên các nền tảng mạng xã hội và làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc đang nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật.
Bà Porter cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ "khen ngợi và sát cánh" cùng các công ty đã "tuân thủ pháp luật của Liên Hợp Quốc (LHQ)" bằng việc đảm bảo rằng sản phẩm mà họ bán không phải do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất ra.
Ảnh minh họa - Một cửa hàng H&M ở Trung Quốc. Ảnh: AP
"Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp tôn trọng nhân quyền tuân theo các nguyên tắc chỉ đạo của LHQ về kinh doanh và nhân quyền, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đối với các doanh nghiệp đa quốc gia" - bà Porter nói tiếp.
Trước đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "phản đối việc Trung Quốc vũ khí hóa sự phụ thuộc của các công ty tư nhân vào thị trường của nước này" để kìm hãm những tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh và cản trở "các hoạt động kinh doanh có đạo đức".
Hôm 22-3, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã phối hợp trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc liên quan tới cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương. Trước đó, hồi tháng 1, cũng dựa vào cáo buộc nói trên, Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương.
Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương - một trong những khu vực sản xuất bông vải hàng đầu thế giới. Bắc Kinh giải thích rằng họ chỉ tổ chức các trung tâm dạy nghề để người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người theo Hồi giáo khác ở đây không bị các phần tử cực đoan lôi kéo.
H&M và nhiều hãng thời trang phương Tây đã thể hiện sự quan ngại trước tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và thông báo không sử dụng bông vải được sản xuất ở khu tự trị này.
Sau động thái của phương Tây, nhiều cơ quan báo chí nhà nước và tổ chức đoàn thể Trung Quốc đã lên tiếng, kích động làn sóng tẩy chay hàng phương Tây. H&M, Nike, Adidas... là những thương hiệu bị làn sóng tẩy chay này nhắm tới.
Các bình luận châm biếm và chỉ trích các hàng hóa phương Tây đang xuất hiện này càng nhiều trên các mạng xã hội Trung Quốc. Giới nghệ sĩ cũng vào cuộc khi một số tuyên bố ngừng hợp tác với các nhãn hàng này.