Phong trào tuần hành kêu gọi chính quyền có những giải pháp chống biến đổi khí hậu tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ - Ảnh (tư liệu): ECOWATCH
Theo hãng tin AFP, thông báo phát đi ngày 26-3 của Nhà Trắng cho biết khoảng 40 nhà lãnh đạo trên thế giới đã được chính quyền Mỹ gửi thư mời tham dự hội nghị này.
Sự kiện đánh dấu sự trở lại của Washington trên các mặt trận chống lại tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra mà chính quyền tiền nhiệm của ông Trump đã không muốn tham gia.
"Họ biết là họ đã được mời", ông Biden nói về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Nhưng tôi vẫn chưa nói chuyện với cả hai người".
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì sẽ khai mạc ngày 22-4, cũng là Ngày Trái Đất. Hội nghị diễn ra trước một hội nghị lớn khác của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra tại Glasgow, Scotland trong tháng 11.
Ông Joe Biden đã thực hiện đúng cam kết của ông, đưa nước Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận khí hậu Paris ngay trong ngày đầu tiên tuyên thệ nhậm chức, đảo ngược lại quyết định rút khỏi thỏa thuận này trước đó của ông Trump.
Quyết định trở lại thỏa thuận khí hậu Paris của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia phát thải khí carbon dioxide lớn thứ hai thế giới - có hiệu lực từ 19-2. Theo đó, cho tới lúc này, gần như mọi quốc gia trên thế giới đều đã tham gia thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ký kết năm 2015.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tháng 4, Mỹ sẽ công bố "mục tiêu tham vọng về phát thải năm 2030" và khuyến khích các nước khác cũng tăng cường mục tiêu của họ theo thỏa thuận đạt được tại Paris.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cử đặc phái viên về khí hậu của ông - cựu ngoại trưởng John Kerry, gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu trong tháng này để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu tháng 4.
Băng trên Trái Đất đang tan nhanh hơn so với giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ yếu do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao.