Một tủ bánh mì dưới chân cầu Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chà chà, tôi đoán chắc các bạn sẽ thấy quen quen vì từng nhìn thấy tên tôi hiện diện đâu đó ở thành phố này. Phải, tôi có mặt gần như ở khắp các tuyến đường TP.HCM, là nơi những người dân lao động có thể dễ dàng ghé thăm và mang về cho mình một ổ bánh mì nóng giòn.
Với nhiều người, một ổ bánh mì chỉ có thể lót dạ, nhưng với đa số dân lao động khó khăn nơi đây, nó như một món quà, là một bữa được no bụng.
Ơ kìa, một cô bán hàng rong sắp ghé thăm tôi đấy. Nhìn tấm áo vải bạc màu đẫm mồ hôi dưới cái nắng như cháy da cháy thịt kia, tôi đoán chừng hôm nay cô đã phải vất vả khá nhiều.
- Cô ơi, sao cô lấy 2 ổ? Mỗi người chỉ được lấy 1 ổ thôi, còn chừa phần người khác nữa chứ.
Tiếng ông chủ của tôi đấy. Hằng ngày tôi nghe ổng nói câu này không biết bao nhiêu lần. Ổng đặt tôi nằm đây chắc cũng ngót nghét 2 năm rồi, và cũng từng đó thời gian tôi chứng kiến nhiều người lợi dụng lòng tốt của ổng.
Tôi được ổng mặc cho cái áo có ghi dòng chữ "Mỗi người 1 ổ" muốn bự bằng cái mặt, thế mà nhiều người, hữu ý hay vô tình, lại cứ muốn lấy nhiều hơn. Ổng buồn chớ, nhiều lần muốn sa thải tôi luôn, nhưng rồi cái tánh người Sài Gòn nó kỳ, thấy thương người dân lao động, rồi cũng lại tiếp tục bày tôi ra đường.
- Chú thông cảm cho tui. Tui đem về cho nhỏ cháu gái, chiều nay nó có cái ăn dằn bụng để đi học. Mấy nay dịch bệnh buôn bán khó khăn quá…
Mấy chữ cuối trong câu nói của cô như chìm lỉm giữa tiếng còi xe ồn ào. Nắng hình như cũng gay gắt hơn thì phải.
- Trời đất. Khổ thiệt. Thôi cô lấy thêm ổ nữa đi, chút xíu con cũng bỏ bánh mì vô tủ thêm cho bà con. À mà, cô cầm ít tiền về mua sữa cho cháu nhé.
Đó, ổng lại thương người. Cái tánh không bao giờ bỏ được, hễ gặp người khó khăn là lại giúp đỡ người ta. Xưa giờ ổng bị nhiều người giả nghèo giả khổ tới lừa xin tiền, cũng phải cả chục triệu chứ ít gì. Nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy, thấy người ta khổ vẫn cứ giúp.
Tôi hay nghe lén ổng nói với mọi người là "Mình có điều kiện hơn người ta, nên giúp được bao nhiêu thì giúp. Sài Gòn hoa lệ mà, mình có hoa thì nên giúp đỡ những người còn đang đổ lệ".
- Dạ cảm ơn chú. Chú tốt quá. Nhờ ơn chú mà bữa nay bà cháu tui được ăn no rồi.
Gửi tặng lại ông chủ tôi một nụ cười tươi hơn cả hoa ngày tết, cô lại vắt người lên chiếc xe cọc cạch để tiếp tục công cuộc mưu sinh. Liếc qua nhìn ông chủ, tôi thấy ổng mỉm cười. Hừ, tôi thật sự không hiểu được con người. Giúp đỡ nhau thật sự đem lại niềm vui to lớn tới vậy sao?
Rồi tôi chợt nhớ đến nhỏ em gái, nó tên là Trà Đá miễn phí. Mỗi lần hai anh em gặp nhau, nó cũng thường kể cho tôi cái niềm hân hoan của những bác xe ôm, cô công nhân vệ sinh, em sinh viên nghèo khi được uống những ngụm nước mát lành từ nó.
Nó kể bà chủ của nó cũng cười tươi roi rói khi tiếp nước đá và trà, rồi thỉnh thoảng cũng hay tặng quà, tặng tiền cho những người cùng khổ. Tôi trộm nghĩ chắc cái đó là bản chất của con người đất Sài Gòn, bao dung và nghĩa tình.
À mà, nhắc con em gái lại nhớ thằng Út. Cái đợt Cô Vít gì gì đó hoành hành, nó nổi tiếng lắm à nghen. Người ta mời nó đi khắp Sài Gòn, rồi còn ra Bắc vào Nam như đi chợ. Chưa hết, nó còn lên báo chí, tivi hà rầm, làm họ hàng nhà tôi nở cả lỗ mũi.
Mà giờ thì nó đang tạm thất nghiệp rồi. Nói thiệt chứ tôi mong nó thất nghiệp dữ lắm, vì hễ nó có việc làm nghĩa là bà con đang khổ. Chậc, nãy giờ tôi chưa nhắc tên nó sao? Nó tên là ATM Gạo.
Ba mẹ của tụi tôi tên là Dân Sài Gòn. Còn tụi tôi là anh em của dòng họ Nghĩa Tình đó. Đơn giản vậy thôi.
Cuộc thi Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình nhận bài dự thi tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết.
Thời gian gửi bài dự thi: từ nay đến hết ngày 10-4-2021.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra dịp 30-4-2021.
TUỔI TRẺ
TTO - Đang ăn cơm, tôi nghe tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa đón khách vào nhà. Khách là một người hàng xóm, sau vài câu thăm hỏi xã giao, ông gởi tôi một cái thiệp mời đi dự đám cưới con gái của ông.