Giá càphê thế giới ngày 27.3 tăng đẩy giá càphê xuất khẩu trong nước tăng theo. Giá thu mua tại Tây Nguyên tăng thêm 600-700 đồng/kg, giao dịch tốt.
Giá càphê tăng theo giá thế giới
Trong mấy ngày qua, giá càphê thế giới tăng đẩy giá càphê trong nước tăng khá đáng kể. Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 600 – 700 đồng, lên dao động trong khung 32.500 – 33.000 đồng/kg.
Ngày 27.3, giá càphê tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng): 31.600 đồng/kg; tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk): Từ 32.500 – 33.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, giá càphê được giao dịch ở mức 32.400 – 33.000 đồng/kg .
Theo Hiệp hội Càphê Ca cao Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê robusta trên sàn ICE Europe – London hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 34 USD, lên 1.399 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 29 USD, lên 1.416 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá càphê arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp tục hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 1,9 cent, lên 128,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 1,85 cent, lên 130,5 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Phân tích về sự tăng giá của càphê, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Càphê Cacao Việt Nam cho rằng, đây là mức tăng theo giá thế giới.
Hơn nữa, sản lượng càphê toàn cầu giảm, tại Việt Nam sản lượng và diện tích càphê đang cho thu hoạch cũng giảm, nguồn cung không dư thừa… là tác nhân đẩy giá càphê tăng cao khi nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng. Mặt khác, sau 4 năm giảm giá liên tiếp, giá càphê tăng trong những tháng đầu của năm 2021 là điều khá dễ hiểu.
Còn theo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam có năng suất càphê thường cao nhất trên thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với robusta và 1,4 tấn nhân/ha đối với arabica. Hiện nay, thông tin tàu vận tải container mắc cạn tại kênh đào Suez đã cản trở việc lưu thông hàng hóa toàn cầu, trong đó có mặt hàng càphê, nhất là càphê Robusta từ Việt Nam qua Châu Âu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong tháng 2.2021, giá càphê thế giới biến động tăng do nguồn cung giảm mạnh.
Tại Brazil, thời tiết khô hạn hơn bình thường làm giảm triển vọng vụ mùa của quốc gia này. Rabobank ước tính, sản lượng càphê niên vụ 2021-2022 của Brazil đạt 36 triệu bao, giảm 1,2 triệu bao so với ước tính khoảng 37,2 triệu bao trước đó; làm tăng khả năng thiếu hụt càphê niên vụ 2021 - 2022 lên khoảng 2,6 triệu bao.
TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) phân tích: Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích càphê được chứng nhận bền vững; đứng thứ 2 về xuất khẩu và chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu càphê toàn cầu, càphê của Việt Nam được thế giới ưa chuộng.
“Đức, Nhật Bản và Ý là ba thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1.2021 với thị phần lần lượt là 13%, 8% và 7,8%” – TS Nguyễn Quốc Toản cho biết.
Xem thêm: odl.052398-ioig-eht-aig-oeht-nauq-cal-gnat-man-teiv-ehpac-aig-naut-iouc/et-hnik/nv.gnodoal