Thị trường chứng khoán tuần giao dịch vừa qua (22-26.3) với 3 phiên giảm đã lấy mất của chỉ số VN-Index gần 32 điểm. Nhịp điều chỉnh này dù không bất ngờ, nhưng mức giảm điểm mạnh đột ngột.
Không có thông tin tiêu cực nào đáng kể tác động
Cụ thể, trong 3 phiên giảm thì 2 phiên vào các ngày giao dịch 23 và 24.3 đã lấy mất của VN-Index hơn 30 điểm. Mức giảm của phiên sau mạnh hơn phiên trước là điều ngoài dự liệu của hầu hết nhà đầu tư.
Bởi trên thực tế thị trường, các phiên giảm không xuất phát từ các nguyên nhân do thông tin tiêu cực trong nước và quốc tế tác động, mà chỉ do vấn đề nội tại của thị trường: Khi VN-Index mất mốc 1.200 điểm sau 24 giờ chinh phục thành công vào tuần trước, những nỗ lực quay trở lại mốc này đều bất thành, nhà đầu tư lo lắng và thoát hàng chốt lời dẫn đến nhịp điều chỉnh.
Tuy nhiên, qua nhiều phiên, các nhịp điều chỉnh của VN-Index cho dù mạnh nhưng khi chạm tới vùng hỗ trợ 1.150-1.155 điểm thì chỉ số hồi phục trở lại. Đây là vùng hỗ trợ khá chắc chắn và được nhà đầu tư đặt niềm tin.
Đơn cử trong ngày giao dịch 26.3, phiên sáng thị trường giảm mạnh và đột ngột hơn 25 điểm khiến chỉ số chạm mốc 1.138 điểm. Nhưng sang phiên chiều, thị trường đủ khỏe để bật lên trở lại, thu hẹp đà giảm, đưa chỉ số lên mức trên 1.162 điểm. Đây là diễn biến được giới phân tích đánh giá, lực đỡ từ ngưỡng 1.150 điểm vẫn phát huy được tác dụng.
Nhịp điều chỉnh hiện nay là hệ quả của sự “rũ hàng” đã mua được ở những mức giá hấp dẫn trước đó. Nhưng thực tế thị trường cho thấy, lực hấp thụ cổ phiếu trong các nhịp rung lắc hay những khi VN-Index giảm mạnh vẫn rất tốt, không để cho thị trường xảy ra bán tháo.
Lực nâng từ nhà đầu tư cá nhân
Khối ngoại vẫn một mạch bán ròng từ sau Tết đến nay. Theo thống kê, trong khoảng 3 tháng đầu năm 2021, khối này đã bán ròng hơn 13.000 tỉ đồng trên toàn thị trường. Việc khối ngoại rút dòng vốn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác tại Châu Á.
Một dòng tiền khác từ khối tự doanh gồm các công ty chứng khoán, trong khoảng nửa đầu tháng 3.2021, cũng góp phần đáng kể để “cân” lại trạng thái bán ròng của khối ngoại. Tuy nhiên, trong nửa cuối tháng 3, khối này có phiên mua ròng và có phiên bán ròng.
Đáng kể nhất vẫn là khối nhà đầu tư cá nhân trong nước, không chỉ bùng nổ về số tài khoản mở mới trong 3 tháng đầu năm 2021 luôn ở mức cao, mà dòng tiền từ khối này cũng rất mạnh mẽ, và có thể xem là chủ lực tạo sự nâng đỡ cho thị trường, hoàn toàn đủ sức và xứng tầm “cân” với dòng tiền bán ròng từ khối ngoại.
Chỉ tính đến phiên ngày 18.3 - thời điểm VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có 20 phiên mua ròng liên tiếp qua khớp lệnh trên sàn HoSE, với tổng giá trị hơn 15.680 tỉ đồng, lớn hơn cả giá trị bán ròng của khối ngoại trong 3 tháng đầu năm (tính tới 26.3). Tuần giao dịch vừa qua, VN-Index giảm điểm mạnh thì dòng tiền vào thị trường càng mạnh, bình quân trên 16.000 tỉ đồng mỗi phiên trên sàn HoSE.
Một trong những yếu tố hỗ trợ mạnh cho nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia thị trường với dòng tiền mạnh là lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp. Thêm nữa, lãi margin tại nhiều công ty chứng khoán giảm xuống mức chỉ 6%/năm.
Một yếu tố thúc đẩy nữa, cho dù thị trường chứng khoán tuần qua giảm điểm nhưng việc đầu tư chứng khoán nhìn chung tại thời điểm hiện nay vẫn mang tới cơ hội tìm kiếm lợi nhuận thuộc hàng tốt nhất cho nhà đầu tư.
Xem thêm: odl.943398-oan-eht-uhn-eohk-gnourt-iht-yaht-ohc-gnad-hnihc-ueid-pihn-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal