Bạch công tử Lê Công Phước (1895- 1950), sinh ra tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ông là con của đốc phủ Lê Công Sủng, một người giàu có ở tỉnh Mỹ Tho. Ông còn nổi tiếng là người phóng khoáng nên còn được người đời đặt tên là Bạch Công Tử.
Hình ảnh thời trai trẻ của Bạch công tử được trưng bày trong ngôi nhà.
Bạch công tử Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, ông được cha vô cùng yêu thương và chiều chuộng ngay từ thuở mới lọt lòng. Năm 1990, ông du học tại Pháp và có tên là Geogre Phước.
Trong một lần được sang Pháp dự hội chợ năm 1909, đốc phủ Lê Công Sủng đã đưa Bạch công tử du học tại đây với hy vọng có thể tiếp thu kiến thức và văn minh từ phương Tây, học hành thành tài để làm rạng danh gia đình. Từ đó, Bạch công tử còn có tên gọi là Geogre Phước.
Điều khiến đốc phủ Lê Sủng Công không thể ngờ là chuyến du học này lại mở ra một thời kỳ ăn chơi quên ngày tháng của cậu con trai.
Hình ảnh đầu tiên của ngôi nhà được trưng bày trong ngôi nhà hiện nay đã được trùng tu.
Bạch công tử là người đam mê cải lương. Năm 1926, ông hùn vốn với Nguyễn Ngọc Cương (tức thân phụ của nghệ sĩ Kim Cương) lập gánh hát Phước Cương. Đây là gánh hát có quy mô lớn của Nam Kỳ thời bấy giờ, quy tụ nhiều đào kép nổi tiếng như: Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo… Gánh hát tồn tại được một năm thì tan rã.
Năm 1929, ông cho xây dựng rạp cải lương, lập gánh hát Huỳnh Kỳ. Đây là gánh hát cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ với sự tham gia của nhiều đào kép nổi tiếng như: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne… Trong đó, cô đào nổi tiếng Phùng Há là vợ của công.
Hình ảnh về gánh hát Huỳnh Kỳ được lưu giữ trong căn nhà.
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há là cô đào chính của gánh Huỳnh Ký, cũng là một trong những người vợ của Bạch công tử.
Gánh hát Huỳnh Kỳ không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước mà còn thu hút được khán giả Sài Gòn. Ngoài đi lưu diễn, gánh hát Huỳnh Kỳ còn đóng góp nhiều việc thiện cho các địa phương đang gặp khó khăn.
Đến năm 1930, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều gánh cải lương buộc phải giải tán, trong đó có gánh hát Huỳnh Kỳ.
Năm 1935, ông cho tái lập gánh hát nhưng không gây được tiếng vang. Vì vậy, ông cho giải thể gánh hát, chấm dứt sự nghiệp theo cải lương.
Cuối tháng 5-1950, ông qua đời và được chôn cất tại ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Ngôi nhà Bạch Công Tử được Lê Công Phước xây dựng trong khoảng năm 1925-1926 theo dạng biệt thự mang phong cách kiến trúc Roman Châu Âu- một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của những gia đình giàu có vào đầu thế kỷ XX.
Sảnh chính ngôi nhà của Bạch công tử.
Ngôi nhà có diện tích 322 m2, tọa lạc tại làng Mỹ Chánh, quận Kiến Hương, tỉnh Định Tường (nay là số 62, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Ngôi nhà được xây tường, cột bê tông cốt thép, bó nền bằng gạch thẻ thức 20 cm x 7 cm x 15 cm, ốp đá kiểu da quy. Nền nhà cao 40 cm so với mặt đất, lót gạch bông thức 20 cm x 20 cm. Tường dày 20 cm, chất kết dính trước đây bằng ô dước. Mặt ngoài tường bằng xi măng láng quét vôi.
Mái của ngôi nhà lợp bằng ngói vảy cá gồm 8 bờ mái. Trên bờ nóc trang trí hình tupa và 8 bờ mái đều gắn hình bồ câu bằng xi măng. Đỡ mái nhà là hệ thống cột bê tông âm tường. Hệ thống kèo, xiên, trính của ngôi nhà được làm bằng gỗ. Tất cả đều các đầu cột điều ốp hoa văn đắp nổi.
Nét chạm khắc trên các khung cửa chính của ngôi nhà.
Trên mi cửa chính được làm bằng gỗ chạm nổi tùng lộc, song phụng và hoa hồng rất độc đáo. Mi cửa bên trái chạm hoa hồng và đầu rồng. Mi cửa bên phải chạm con gà trống, cây ngô đồng, cúc điểu, chim sóc rất tinh xảo.
Nét chạm khắc trên khung cửa sổ trong một căn phòng.
Bên trên các mi cửa bằng gỗ là các hoa văn được đắp nổi bằng xi măng rất đẹp. Trần sảnh được làm bằng thạch cao đắp nổi hoa và dây lá sơn màu vàng đồng. Hai vách tường đầu sảnh trang trí 4 bức bích họa.
Năm 2016, tỉnh Tiền Giang có quyết định xếp hạng nhà Bạch công tử là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh cố gắng tìm mua lại những đồ dùng như bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ... cùng thời với ông để trang trí căn nhà và mở cửa cho du khách tham quan.
Chiếc vali mà Bạch công tử từng sử dụng.
Các tờ tiền, đồng xu được sưu tầm ở nhiều nước trên thế giới.
Một góc trong căn phòng sát sảnh chính của ngôi nhà.
Các đồ vật trang trí trong gian phòng của ngôi nhà.
Chiếc gương soi được đặt dưới di ảnh của nghệ sĩ nhân dân Phùng Há.
Chiếc đèn dầu với họa tiết tinh xảo.
Ngôi nhà có 6 phòng, mỗi phòng là các gian sinh hoạt khác nhau của Bạch công tử.
Chiếc xe đạp cũng là một trong những vật dụng được trưng bày trong căn nhà.
Bộ chén được trưng bày trong tủ ở sảnh chính.
Chiếc giường ngủ từng được Bạch công tử sử dụng.
Điện thoại, chiếc bình gốm... cùng nhiều vật dụng khác trong căn nhà đều là những thứ mà Bạch công tử từng dùng, sưu tầm.
Hình ảnh Bạch công tử khi về già.
Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi nhà Bạch Công Tử vẫn giữ được giá trị và là một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp, độc đáo ở vùng đất Mỹ Tho, Tiền Giang, trở thành điểm đến thú vị hấp dẫn thu hút du khách gần xa.