Đông đảo học sinh Bình Định tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng nay - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hơn 4.000 học sinh có mặt tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT Bình Định, Tỉnh đoàn Bình Định và Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Trước khi chọn trường, chọn ngành, các em phải nắm được những thông tin cơ bản về ngành và các loại hình đào tạo, thông tin về thị trường lao động, từ đó các em nhận thức, tự đánh giá về bản thân, so sánh đối chiếu để lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Hôm nay là cơ hội quý báu để các em có thể đưa ra thắc mắc, băn khoăn để được tư vấn và định hướng lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp.
Ông Phan Thanh Liêm – phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định
Ông Phan Thanh Liêm - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định - phát biểu tại buổi tư vấn - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chỉ được đậu 1 ngành duy nhất
Dự kiến ngày 24-4, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đồng thời đăng ký xét tuyển đại học - cao đẳng.
Theo thầy Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đến nay nhiều học sinh vẫn chưa hiểu được cách thức xét tuyển đại học nên đăng ký quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Hiện nay, có hai nhóm lọc ảo phía Nam (do Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì) và phía Bắc (do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì) cùng với quy trình lọc ảo cả nước trên phần mềm chung của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng tư vấn cho học sinh Bình Định - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nhiều thí sinh thường thắc mắc em đăng ký nguyện vọng vào một trường nào đó, nguyện vọng 3 có phải điểm của em phải cao hơn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 hay không. Cách hiểu này là không đúng, vì trong lần xét tuyển đầu tiên sẽ xét tất cả các em có cùng nguyện vọng vào 1 ngành nào đó dựa vào điểm.
Sau khi phần mềm chạy sẽ ra điểm chuẩn tạm thời và tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo ở các trường trong nhóm lọc ảo. Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ bị xóa tên ở tất cả các nguyện vọng còn lại. Trường hợp thí sinh rớt nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 sẽ được tính là ưu tiên 1, rớt nguyện vọng 2 thì nguyện vọng 3 trở thành ưu tiên 1… Phần mềm sẽ chạy đến khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký trúng tuyển vào mức điểm chuẩn phù hợp.
"Nhiều phụ huynh khoe con mình đậu cùng lúc nhiều ngành và nhiều trường. Nói như vậy là không đúng, vì mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển vào 1 ngành duy nhất mà thôi", thầy Dũng lưu ý.
Học sinh tham dự buổi tư vấn tại Quy Nhơn sáng nay - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tranh thủ thêm phương thức xét tuyển khác
Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, điểm chuẩn trúng tuyển các năm luôn biến động, thường xuyên dao động hình sin. Thông thường những năm nào điểm chuẩn vào một ngành nào đó cao thì năm sau nhiều em sợ, không dám đăng ký vào nên điểm chuẩn hạ xuống. Ngược lại, những ngành có điểm chuẩn thấp các em ùa vào đăng ký thì điểm chuẩn lại tăng lên. Tất nhiên, mức điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số chỉ tiêu của ngành đó.
Thầy Dũng còn chia sẻ "bí quyết" đăng ký xét tuyển vào những ngành gần, ngành mới mở thường dễ trúng tuyển hơn.
Ví dụ ngành công nghệ thông tin hiện đang được rất nhiều thí sinh chọn nên điểm chuẩn thường rất cao. Trong khi có những ngành gần thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin như khoa học dữ liệu, thương mại điện tử, kỹ thuật phần mềm… nhưng điểm chuẩn thấp hơn 1-2 điểm. Những ngành này thị trường lao động có nhu cầu cao.
Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Mai - Đại học Quốc gia TP.HCM - khuyên thí sinh nên tranh thủ thêm các phương thức xét tuyển khác: đánh giá năng lực, học bạ…
"Việc xét tuyển theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không phân biệt thứ tự nguyện vọng, nhưng nếu các em sử dụng điểm học bạ thì điểm chuẩn đợt 2 thường cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển đánh giá nguyện vọng 2 có thể cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1, do vậy các em cần hết sức cảnh giác", cô Mai lưu ý.
Vẫn còn cơ hội thi năng lực đợt 2
Học sinh Bình Định lắng nghe tư vấn - Ảnh: LÂM THIÊN
Sáng 28-3, khoảng 70.000 thí sinh đang bước vào kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Tại buổi tư vấn ở Quy Nhơn, nhiều thí sinh quan tâm đến kỳ thi này. Chia sẻ với học sinh, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Nếu em nào chưa dự thi đánh giá năng lực đợt 1 thì vẫn còn cơ hội đăng ký dự thi đợt 2, dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT một tuần. Sau hai đợt thi, các trường sẽ phân bổ chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực và công bố để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển".
ThS Phùng Quán - Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết thêm nếu bạn nào chưa đăng ký thi đợt 1 vẫn còn cơ hội để thi đợt 2. Từ ngày 4-5, hệ thống sẽ mở cổng để các bạn đăng ký thi đợt 2 và đăng ký nguyện vọng (cả đợt 1 và đợt 2 đều đăng ký nguyện vọng cùng lúc), hệ thống sẽ tự động chọn điểm đợt nào cao hơn để xét cho bạn.
Với các trường ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM, các bạn muốn xét trường nào thì tìm hiểu cách thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của trường đó và làm theo hướng dẫn.
"Đến nay đã có 70 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi và dự kiến có thêm nhiều trường sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Như vậy, việc tham gia kỳ thi này giúp các em có thêm cơ hội trúng tuyển đại học", ông Quán khẳng định.
TTO - Hơn 2.000 học sinh tỉnh Quảng Trị đã về Trường THPT Lê Lợi dự chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Nhiều học sinh đã 'hỏi xoáy', đề nghị các thầy cô trong ban tư vấn 'đáp xoay'.