Với mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận tiếng Anh cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng, lớp học tiếng Anh "1.000 đồng" có tên gọi đặc biệt "Vui ơi là vui" do Quỹ Từ thiện Bông Sen tài trợ, đã hoạt động được hơn 6 tháng nay.
Hôm chúng tôi ghé, buổi học sắp sửa bắt đầu, chị Nguyễn Lê Vân Khánh (SN 1989, quản lý lớp học) đang ổn định chỗ ngồi. Bọn trẻ thì hiếu động, quần áo lấm lem. Có đứa nhỏ xíu, mặt non choẹt, có đứa trông già dặn như trải đời…
Clip: Lớp học tiếng Anh 1.000 đồng ở Đà Nẵng
Chị Khánh cho biết, lớp học được tổ chức đều đặn vào 7h30 đến 9h sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần cho các học sinh từ lớp 5 đến lớp 8. Phòng học vốn là nơi hằng ngày phục vụ hàng trăm suất cơm 2.000 đồng cho người khó khăn. Tuy nhiên, vào 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật, quán cơm Yên Vui không mở bán nên được trưng dụng làm nơi dạy học.
Giáo viên ở đây là 5 bạn trẻ đến từ các ngành nghề khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là yêu công việc chia sẻ kiến thức, có khả năng về ngoại ngữ. Và đặc biệt là có tình yêu lớn đối với trẻ em. Tất cả tình nguyện viên đều dạy miễn phí, thậm chí họ còn đóng góp thêm tiền để mua phần thưởng khuyến khích việc học của tụi nhỏ.
Địa điểm tổ chức lớp học được trưng dụng từ quán cơm 2.000 đồng dành cho người khó khăn
Tại lớp học đặc biệt này, các em nhỏ được trau dồi kiến thức ngữ pháp, giao lưu nói tiếng Anh, tham gia các trò chơi về từ vựng
Trước mỗi buổi học, các thầy cô giáo thường đến sớm, kê lại bàn ghế, bố trí bảng viết để "hóa phép" lớp học. Ngoài ra, quán còn trang bị tivi màn hình lớn để những bài giảng của giáo viên thêm sinh động, thu hút các em nhỏ.
Ngoài các lớp tiếng Anh cho cấp 1 và cấp 2, nơi đây còn có thêm một lớp học vẽ cho những bạn có tình yêu với mỹ thuật. Tại lớp vẽ, giáo viên sẽ dạy cho các em những hiểu biết về bố cục, màu sắc; cách tạo hình, phối màu… trong hội họa, góp phần bồi dưỡng năng khiếu cho các em. Thời gian tới, chị Khanh sẽ vận động các bạn tình nguyện viên để mở thêm một lớp Toán và lớp học kỹ năng để giúp các em có kiến thức vững vàng hơn.
Theo chị Khánh, các em đến đây có độ tuổi khác nhau, từ 7-15 tuổi. Trong gần 50 học trò, hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Sợ học trò bỏ học giữa chừng, chị Khánh luôn cố gắng vận động từng em đến lớp, thuyết phục cha mẹ cho các em đi học đầy đủ.
Hiện, lớp học có mức học phí "không tưởng" này có 5 tình nguyện viên là giáo viên dạy chính, trong đó có 1 người nước ngoài
Học sinh mà lớp học 1.000 đồng hướng đến là những hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, gia đình nghèo, bố mẹ lớn tuổi,…
Học phí của lớp học là 1.000 đồng/buổi, ngoài ra không thu thêm bất cứ khoản kinh phí nào khác, thậm chí còn được thầy cô chuẩn bị cho sách vở, dụng cụ học tập. Đặc biệt, trong giờ giải lao, các em sẽ được phát bữa ăn phụ là hộp sữa, bánh ngọt để bổ sung dinh dưỡng.
"Tất cả học sinh tham gia lớp học đều đóng học phí là 1.000 đồng/buổi. Thực chất thu học phí 1.000 đồng là cách để các em không e ngại về mặt tâm lý, được thoải mái học tập; đồng thời nghiêm túc, trách nhiệm hơn trong buổi học. Số tiền này sẽ được gây thành một quỹ nhỏ để mua giấy, bút, màu vẽ hoặc tổ chức liên hoan cho các em", chị Khánh giải thích.
Là một trong những tình nguyện viên gắn bó với lớp ngoại ngữ từ những ngày đầu, anh Nguyễn Quốc Trưởng (29 tuổi) cho biết, mình vốn là hướng dẫn viên du lịch. Khi đọc trên mạng thấy lớp học cần người giảng dạy tiếng Anh miễn phí cho tụi trẻ nghèo, anh lập tức đến đăng ký.
Chia sẻ về phương pháp dạy học, anh Trưởng cho hay, với châm ngôn vừa học, vừa chơi và để khắc phục lỗi phát âm của các em, trong quá trình học, anh thường tổ chức các trò chơi giao tiếp, tăng sự tương tác qua lại giữa thầy và trò để vừa tạo cho các em tâm lý thoải mái, vừa dễ tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, các em còn được học kỹ năng quan sát và làm việc nhóm,…
Không khí trong lớp học diễn ra vui vẻ, không có khoảng cách thầy trò
Đối với anh Trưởng, việc được giảng dạy, giúp đỡ các em nhỏ là niềm vui
Theo anh Trưởng, "lớp học 1.000 đồng" này còn mang đến cho mình nhiều trải nghiệm tuổi trẻ. Trước đây, anh là người nóng vội, hấp tấp, việc gần trẻ thơ khiến anh học được tính kiên nhẫn, bao dung, hiểu được ý nghĩa việc mình đang làm.
"Nhìn học trò khá lên từng ngày, từ chỗ không biết tiếng Anh, nay một số em đã phát âm khá chuẩn, đó là động lực, khiến tôi cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc", anh Trưởng chia sẻ.
Không phải xuất phát điểm từ ngành Sư phạm, nhưng với vốn kiến thức tiếng Anh sẵn có, cô nàng chuyên ngành thiết kế đồ họa Huỳnh Lê Vương Mai Thanh (SN 1989, trú quận Cẩm Lệ) lại xem việc dạy các em nhỏ nghèo khó là niềm vui, cách tận hưởng sức trẻ của mình.
Đến với lớp bằng trái tim chân thành và lòng nhiệt huyết, nên Thanh luôn cố gắng để không có khoảng cách giữa cô và trò. Không chỉ truyền đạt kiến thức mà Thanh luôn lắng nghe những tâm tư của các em để hiểu hơn về cuộc sống, hoàn cảnh của từng học sinh.
Trong các buổi dạy, bên cạnh dạy từ vựng, kiến thức cho các em nhỏ, Thanh còn lồng ghép những bài học về sự tử tế, lòng biết ơn, tình yêu thương,... Không chỉ trao tri thức, các tình nguyện viên còn chia sẻ những ước mơ, động viên các em nhỏ vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
"Những ngày đầu tôi phải dùng đến 90% là tiếng Việt trong buổi dạy tiếng Anh, vì các em không biết gì cả. Nhưng sau gần 6 tháng học tại đây, bây giờ nhiều em đã bắt đầu hiểu, tiếp thu và tự tin giao tiếp với nhau và các thầy cô. Đối với các bạn nhỏ hay mặc cảm với hoàn cảnh, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn để gặp gỡ, trò chuyện rồi động viên em đến lớp. Điều tôi mong muốn là các em không chỉ có kiến thức mà còn có cả niềm vui và sự thoải mái nữa", chị Thanh cười tươi nói.
Thầy cô giáo luôn cố tìm những ví dụ thực tế dễ hiểu cho bài giảng của mình
Không chỉ truyền đạt kiến thức, các tình nguyện viên còn tận tình chỉ bảo học trò lễ phép, sống tốt, biết phân biệt điều hay lẽ phải...
Đang tập viết số đếm bằng chữ trong tiếng Anh, em Đoàn Khánh Phong (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn) hồ hởi khoe: "Con học ở đây từ ngày đầu tiên mở lớp. Ở đây vui lắm, thầy cô dạy dễ hiểu nữa, cái nào không hiểu thì hỏi lại nhiều lần cũng được. Con còn được làm quen với nhiều bạn mới nữa".
Cạnh bên, cậu bé nhỏ nhắn Ngô Minh Huy (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ), đang chỉ bài cho bạn cùng bàn. Huy bảo, nhờ lớp học tiếng Anh 1.000 đồng này mà vốn từ vựng của em ngày càng nhiều hơn, khả năng giao tiếp tiếng Anh cũng tiến bộ đáng kể.
Cứ thế, giữa Đà Nẵng tấp nập, những bạn trẻ tử tế vẫn âm thầm san sẻ không chỉ con chữ mà cả những cái tốt, cái đẹp của cuộc đời đến với những em nhỏ nghèo khó. Họ cho đi mà không cần nhận lại điều gì, chỉ mong muốn nhờ tri thức sẽ giúp các em thay đổi cuộc đời, có tương lai tươi sáng hơn.
Hà Nam
Tri thức trẻ