Thủ tướng chia sẻ chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới - Ảnh: N.K.
Giới thiệu chuyên đề Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao tinh thần và khát vọng phát triển, đồng thời chia sẻ những cảm xúc trong nhiệm kỳ bằng 2 câu thơ.
Sáng 28-3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban bí thư Trung ương Đảng tổ chức bước sang ngày thứ hai với chuyên đề "Chiến lược phát triển kinh tế xã hội" do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu.
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới, Thủ tướng cho biết quy mô nền kinh tế nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất, đứng thứ 4 trong ASEAN. Mức GDP bình quân đầu người năm 2020 của Việt Nam đạt trên 3.500 USD, tính theo sức mua tương đương đạt khoảng 10.000 USD. Chúng ta là một trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, được đánh giá là 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Cùng với đó, lạm phát ổn định dưới 4%, môi trường kinh tế vĩ mô, chính trị, xã hội ổn định, thuận lợi. Việt Nam xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 xếp thứ 67.
Không phải "hết mùa xuân đến mùa đông, nước chảy bèo trôi mà chẳng có sản phẩm gì"
Thủ tướng nhấn mạnh những nội dung trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, đặt ra là việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại.
Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với ba trọng tâm của chiến lược là khơi dậy khát vọng phát triển, yêu cầu đặt ra là trong khó khăn phải thay đổi cách làm, đổi mới tư duy phát triển, với niềm tin khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá và rút ngắn khoảng cách.
Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và bổ sung những nội hàm mới cho phù hợp với yêu cầu và tình hình phát triển đất nước, nhất là khoa học công nghệ. Huy động nguồn lực, đổi mới quản trị quốc gia, xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, tổ chức thực hiện là khâu quan trọng, không chỉ chính quyền, nhà nước mà các cấp ủy có vai trò lớn. Vì vậy phương thức tổ chức phải đổi mới, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu, kiểm tra giám sát thực hiện, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong đó, cần có kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra đôn đốc, cần có cơ chế đánh giá gắn với sản phẩm cụ thể, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, chứ không phải "hết mùa xuân đến mùa đông, nước chảy bèo trôi mà chẳng có sản phẩm gì".
Đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển và đô thị nông thôn, Thủ tướng cho hay kế hoạch trung hạn 2021- 2025, tổng mức đầu tư công là 2,75 triệu tỉ đồng. Hiện có 336 dự án PPP ký hợp đồng, huy động trên 1,8 triệu tỉ đồng nên cần tiếp tục thúc đẩy. Trong đó, cần tập trung cho dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng số, như đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc, đầu tư trọng điểm các sân bay lớn, làm tuyến ven biển từ Nam - Bắc bao gồm cả miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Với phát triển kinh tế vùng, sẽ lựa chọn một số địa điểm đô thị vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với cơ chế chính sách đặc thù, có đột phá cạnh tranh. Đối với phát triển đặc khu, Thủ tướng cho hay trước đây khi trình Luật đặc khu, do chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận nên chưa thành công. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh tới đây cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
"Cũng như đường sắt Bắc - Nam, đường sắt Hồ Chí Minh, Cần Thơ... tất cả những vấn đề đó tốn tiền cũng phải làm, phải có nghiên cứu để làm" - Thủ tướng nói.
Đối với phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các đảo có người sinh sống phải có hạ tầng cơ bản, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, gắn phát triển giáo dục, y tế đầy đủ.
Riêng Côn Đảo phấn đấu 5 năm tới phải có điện lưới quốc gia, nên việc đầu tư 5.000 tỉ đồng (để kéo điện ra đảo - PV), theo Thủ tướng là cần thiết so với địa điểm có ý nghĩa lịch sử nên đã có nghị quyết triển khai dự án với 50% vốn nhà nước đầu tư, 50% do EVN đầu tư.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến phát triển đô thị và xây dựng nông thôn, đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa, hình thành chuỗi đô thị phía Bắc, Nam và miền Trung, hình thành đô thị vệ tinh của đô thị đặc biệt.
Theo đó, Thủ tướng cho hay vừa qua Chính phủ đã có đề nghị đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở để thúc đẩy chủ trương này.
Cuối bài, đọc câu thơ ví von "Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn còn gì là xuân", Thủ tướng đã chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về nhiệm kỳ vừa qua với sự kỳ vọng lớn: "Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn càng ngày càng xuân".
TTO - Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch COVID-19, chỉ tiêu đặt ra về tăng trưởng GDP cho năm 2021 là 6% và giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%.