Ước mơ làm nhà báo dang dở của cô gái khiếm thính
"Một nơi tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm một ngôn ngữ mới, có thể là cả một cách sống mới"; "Một nơi mà bạn cảm thấy mọi người tâm huyết với từng sản phẩm. Mình sẽ quay lại thêm thật nhiều lần nữa"..., đó là những lời cảm nhận, những suy nghĩ của khách hàng về một tiệm giặt là đặc biệt nhất Hà Nội - "Tiệm giặt là của người điếc".
Nằm ở số 7 trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tiệm giặt là này có quy mô khá khiêm tốn, hoạt động 24/7 với 1 quản lý, 2 nhân viên (tất cả đều là người điếc, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau).
Đáng nói, đây không chỉ là cơ sở kinh doanh mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho người khiếm thính, nơi họ được học tập, rèn luyện giúp tự tin hơn.
"Tiệm giặt là của người điếc" ra đời từ tháng 12/2020
Đây là nơi làm việc của 3 cô gái khiếm thính
Nói về sự ra đời của cửa hàng giặt là, chị Lương Kiều Thuý (SN 1991, quê ở Nam Định) cho biết, bản thân đã có ý tưởng từ rất lâu và có một lộ trình rất dài. Một phần, nó cũng là "duyên phận" đối với chị.
Bị khiếm thính từ năm 10 tuổi, những kiến thức đi học, chị Thuý đều thiệt thòi và tiếp thu chậm hơn bạn bè cùng trang lứa. Không chịu khuất phục số phận, chị vẫn cố gắng học hành, nuôi ước mơ trở thành một nhà báo.
"Tôi và mẹ đều là người khiếm thính, kiến thức được tiếp cận rất ít. Chính vì vậy tôi muốn chọn một nghề mà tiếp cận thông tin được nhiều hơn nên tôi đã nuôi ước mơ trở thành một nhà báo.
Lúc học hết lớp 9, gia đình tôi chuyển đến Hà Nội sinh sống, tôi cũng lên và xin học ở một trường cấp 3 dân lập tại đây. Thực sự, đây là một giai đoạn khó khăn vì càng học lên cao, kiến thức càng khó, tôi đã xin ngồi bàn đầu và cố gắng nghe thầy cô giảng nhưng cũng không tiếp thu được. Nhiều lúc viết sai loạn lên mình cũng không hề biết, phải nhìn sang bạn mới phát hiện ra", chị Thuý kể.
Học hết cấp 3, chị Thuý thi đỗ trường Cao đẳng truyền hình, bước đầu của ước mơ đã được thực hiện. Thế nhưng, khi hoàn thành chương trình cao đẳng, chị Thuý nhận ra rằng: "Nghề báo không dành cho người khiếm thính".
Tiệm giặt là của người điếc ra đời
Từ bỏ ước mơ, Thuý tập trung vào bán hàng online rồi lấy chồng, sinh con. Đến năm 2018, Thúy bắt đầu đi làm photoshop tại một công ty xã hội. Tại đây, chị đã được tiếp cận nhiều dự án về "nghiên cứu việc làm của người điếc".
Chị Lương Kiều Thuý đến với công việc giặt là như một cơ duyên
Hai nhân viên đồng hành cùng chị Thuý kể từ khi tiệm giặt là ra đời
Sau khi kết thúc dự án, tình cờ Thuý biết đến công việc giặt là qua kết nối của một người bạn khuyết tật. Sau khi trải nghiệm công việc trên qua 2 cơ sở giặt là bình dân và cao cấp, chị đã hạ quyết tâm phải xây dựng một mô hình thông minh, tạo cơ hội việc làm cho người điếc và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững.
Từ ý tưởng mang tên "giặt là sáng", đầu năm 2020, chị Thúy tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Trải qua 8 tháng vất vả, vượt qua hàng trăm hồ sơ từ khắp mọi miền Tổ quốc, chị Thúy đã đạt giải "Cánh Én vàng".
Những lúc làm việc tràn ngập tiếng cười
Tháng 10/2020, chị Thúy tiếp tục tham gia chương trình Ươm tạo và khởi nghiệp, tạo tác động xã hội do Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức. Với ý tưởng kinh doanh "giặt là sáng", chị đã đạt giải Best Performance.
Tuy nhiên, khi muốn mở tiệm giặt là, chị Thuý gặp khó khăn về vốn nhưng trong người vẫn có "máu" kinh doanh, chị vẫn tiếp tục theo đuổi. "Tôi dẫn theo 2 bạn cùng hoàn cảnh đi học nghề, gặp nhà đầu tư, tai thì nghe bập bõm…. Không ít lần mâu thuẫn với nhà đầu tư nhưng tôi chỉ có một niềm tin là nhất định ý tưởng này phải được làm, dù có theo cách nào đi nữa. Cuối cùng, cơ duyên kết nối với chủ thương hiệu nhượng quyền 'Giặt ký' nên tôi đã quyết định kết hợp liên danh".
Nhờ mối lương duyên này, tháng 12/2020, "Tiệm giặt là của người điếc" đã ra đời. "Ban đầu làm công việc này cũng khó khăn lắm, nhất là việc giao tiếp với khách hàng. Nhiều người họ không hiểu chúng tôi nói gì nhưng chúng tôi biết kết hợp viết và dùng ngôn ngữ kí hiệu nhiều lần nên dần khách hàng cũng hiểu. Bây giờ trở ngại đó dường như đã được xoá bỏ".
Chất lượng luôn được cửa hàng đặt lên hàng đầu
Ngoài việc giặt là các sản phẩm thông thường, tiệm giặt là người điếc còn nhận vệ sinh cho các mặt hàng cao cấp (áo lông vũ, quần áo đắt tiền…) theo đúng yêu cầu, mong muốn của khách hàng; ngoài ra còn có công nghệ giúp giày dép sáng bóng như mới
Một số phản hồi của khách hàng được lưu lại
Theo chị Thuý, từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại giặt đến hơn 10 lần, nhiều khách hàng dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp với người điếc và còn tương tác qua lại, vẫy tay chào các bạn khi ra về...
"Tôi luôn nhấn mạnh với các bạn nhân viên rằng, dù mình có là người yếu thế thì khách hàng quay lại hay không vẫn là ở chất lượng dịch vụ”, chị Thuý nói.
Cuối cùng, chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, chị Thuý bộc bạch, bản thân sẽ nghiên cứu, mở rộng mô hình này để dạy nghề cho người khiếm thính vì khi có nghề nghiệp, người điếc có thể tự làm chủ cuộc sống hoặc tự phục vụ bản thân mình với nhu cầu xã hội.
Đinh Huy
Doanh nghiệp tiếp thị