Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam” - Ảnh: Chinhphu.vn
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông tin như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chiều 28-3.
Đánh giá về bối cảnh tình hình, Thượng tướng Phan Văn Giang cho hay môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Việc chạy đua vũ trang, không gian chiến lược mới đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực, nhất là nước nhỏ đang phát triển.
Trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghiệp số phát triển mạnh mẽ, tạo ra thời cơ và thách thức mới. Tuy nhiên, nhiều hình thái chiến tranh mới xuất hiện làm thay đổi môi trường chiến lược. Đặc biệt, với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh.
Với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Giang cho hay Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Riêng về tình hình biển Đông, ông Giang phân tích thêm là đang có những diễn biến căng thẳng phức tạp, đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến biển Đông như vùng tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng chưa phân định rõ ràng, vùng nước lịch sử, vùng cùng đánh cá, thềm lục địa... chưa giải quyết được.
"Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài, có chiến lược và sách lược mềm dẻo, đúng đắn, tôn trọng luật pháp quốc tế, trên biển Đông ta thực hiện Công ước luật biển 1982 và quy tắc DOC của các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới COC" - ông Giang nói.
Cũng theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ về quốc phòng với các vấn đề ngày càng công khai và trực diện hơn nên cần đánh giá đúng, có chủ trương, biện pháp, chủ động phòng ngừa, không để đất nước bị động, bất ngờ, không được chủ quan mất cảnh giác.
Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định…
Về nhiệm vụ, ông Giang cho hay Đại hội XIII xác định củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực…, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân gắn với tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quân sự.
Lực lượng quân đội tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy
Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu hướng đến xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội tinh gọn, mạnh. Năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại và hoàn thành hiện đại. Năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại.
Từ năm 2016 đến nay, quân đội giảm hơn 800 tổ chức biên chế, không thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên giải thể các trường nghề, điều chỉnh nhiệm vụ này cho đơn vị khác để sử dụng cho tăng cường biên giới, hải đảo, tăng cường tổ chức đơn vị mới.
Theo đó, quân đội tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tập trung xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ.
TTO - Trong năm 2020, Mỹ đã điều các nhóm tác chiến tàu sân bay, máy bay ném bom B-52H và nhiều vũ khí chiến lược khác tới Biển Đông. 'Bộ tứ kim cương' cho biết họ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, ưu tiên vai trò của luật quốc tế.