Tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Kênh đào Suez dài hơn 190km vốn là một điểm nóng địa chính trị kể từ khi mở cửa năm 1869. Nay kênh đào này, vốn là một tuyến giao thương quốc tế bận rộn, lại thu hút dư luận vì một lý do khác.
Ngày 23-3, siêu tàu chở hàng dài 400m Ever Given đã mắc cạn, chắn ngang tuyến vận tải đường biển nối giữa Trung Quốc và châu Âu trong nhiều ngày qua. Hơn 100 tàu bè từ hai phía của kênh đào Suez cũng vì thế mà mắc kẹt theo, khiến hoạt động thương mại đường biển của thế giới bị ảnh hưởng.
Tuyến hàng hải quan trọng
Kênh đào Suez nằm ở Ai Cập, nối liền Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Tuyến đường này cho phép tàu thuyền đi thẳng từ châu Âu sang châu Á, tránh phải đi vòng qua châu Phi và tiết kiệm nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần đi lại.
Cấu tạo của kênh đào này cũng độc đáo với nhiều mực nước ở độ cao khác nhau. Ngoài ra, là một kênh đào không có chốt khóa, thời gian tàu bè đi qua Suez chỉ tầm 13-15 tiếng đồng hồ, theo mô tả của GlobalSecurity.org.
Ban đầu, kênh đào Suez thuộc sở hữu của các nhà đầu tư đến từ Pháp, thời Ai Cập còn thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Ottoman khoảng giữa thế kỷ 19. Việc thi công ở cuối thành phố cảng nằm ở đông bắc Ai Cập bắt đầu từ năm 1859 và kéo dài 10 năm. Theo tờ New York Times, ước tính 1,5 triệu nhân công đã tham gia công trình đồ sộ này.
Bất ổn chính trị tại Ai Cập trước các nước thuộc địa như Anh và Pháp đã làm chậm tiến trình thi công, đẩy tổng giá trị của kênh đào Suez tăng gần gấp đôi con số 50 triệu USD ban đầu.
Đế quốc Anh kiểm soát kênh đào Suez trong cả Chiến tranh thế giới I và II. Anh đã rút quân vào năm 1956 và sau nhiều năm đàm phán cùng Ai Cập, đã từ bỏ quyền kiểm soát kênh đào Suez cho chính quyền Ai Cập.
Công trình đầy tranh chấp
Cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez cũng bắt đầu vào năm 1956, khi tổng thống Ai Cập đương thời Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào này. Tuy nhiên, một số động thái tiếp theo của ông Nasser liên quan tới kênh đào Suez bị Israel và các nước phương Tây xem là mối đe dọa an ninh. Điều này đã dẫn đến cuộc can thiệp quân sự của Israel, Anh và Pháp tại đây.
Xung đột này đã khiến kênh đào Suez bị đóng cửa trong thời gian ngắn, đồng thời đẩy nguy cơ kéo cả Mỹ và Liên Xô vào cuộc lên cao. Cuối cùng, mọi căng thẳng chấm dứt vào đầu năm 1957 dưới một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc chủ trì, đánh dấu lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực này. Kết quả hòa bình cũng được xem là một chiến thắng cho chủ nghĩa dân tộc tại Ai Cập.
Thế nhưng, kênh đào Suez lại một lần nữa bị Ai Cập đóng cửa gần một thập kỷ sau cuộc chiến Ả Rập - Isreal năm 1967. Vào thời điểm đó, tuyến đường biển này cơ bản bị xem như tiền tuyến giữa lực lượng của Israel và Ai Cập. Nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là 14 tàu hàng, sau này được biết đến là “Hạm đội vàng - Yellow Fleet”, đã bị mắc kẹt tại đây cho đến khi kênh đào được mở cửa vào năm 1975 bởi người kế nhiệm của ông Nasser, ông Anwar el-Sadat.
Một vài vụ tàu bè mắc cạn cũng xảy ra tại kênh đào Suez sau đó. Vụ việc đáng chú ý nhất, trước tàu Ever Given, là vụ tàu chở dầu Tropic Brilliance của Công ty Sovcomflot (Nga) mắc cạn vào năm 2004. Sự kiện này đã khiến kênh đào Suez phải đóng cửa trong 3 ngày.
Đến tháng 11-2017, các tàu kéo đã thành công giải phóng tàu container OOCL Japan sau vài tiếng đồng hồ mắc kẹt.
TTO - Nhà quản lý ở kênh đào Suez ngày 27-3 cho biết những nỗ lực nhằm giải thoát tàu hàng siêu khủng Ever Given bị mắc cạn đang chắn con kênh đã có chút tiến triển.