Mục tiêu Vn-Index đạt 1.800 điểm được nhà lãnh đạo quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund nhắc đến khá nhiều lần trong các báo cáo của quỹ. Dù thị trường nhiều giai đoạn điều chỉnh mạnh, ngưỡng 1.800 luôn được PYN Elite duy trì kỳ vọng đối với chứng khoán Việt Nam.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, con số này tiếp tục được ông Petri Deryng - người sáng lập PYN Fund Management và cũng là người quản lý danh mục đầu tư của PYN Elite Fund - đề cập tới.
Nhà sáng lập quỹ đầu tư này chia sẻ, trong vài năm qua, PYN Elite đã tập trung đầu tư 100 công ty có vốn hóa thị trường cao nhất trong số 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thay vì tạo danh mục đầu tư tương tự chỉ số từ nhóm 100 công ty này, PYN Elite đã tạo một danh mục đầu tư riêng biệt trong đó nhắm tới những cổ phiếu có lợi nhuận được thúc đẩy từ sự tăng trưởng của nhu cầu nội địa đi đôi với tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ, nhà ở và dịch vụ ngân hàng.
"Khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng gấp bội, sự gia tăng này được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư trong nước. Khá bất ngờ với việc bán ra mạnh của các nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng họ sẽ sớm quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay", ông Petri Deryng đánh giá.
Vấn đề đặt ra là mục tiêu phù hợp cho Vn-Index trong vài năm tới là 1.800 hay 600 điểm. PYN Elite vẫn giữ quan điểm mục tiêu dài hạn cho thị trường ở mức không đổi 1.800 điểm. Biểu đồ lợi suất dự báo của VN-Index cho năm 2021 cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể trên thị trường chứng khoán, với lợi suất kỳ hạn là 6,6% so với mức lợi suất 2,5% của trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm. Vậy nên ông Petri Deryng cho rằng việc kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể tăng từ mức hiện tại là 1.200 lên 1.500 vào cuối năm 2021 là hợp lý.
Dù liên tục đánh giá lạc quan về kinh tế vĩ mô Việt Nam cùng tác động tích cực tới thị trường chứng khoán đạt ngưỡng tăng trưởng tốt, quỹ đầu tư này vẫn liên tục bán ra cổ phiếu Việt.
Danh mục cốt lõi của PYN Elite hiện tại bao gồm 15 cổ phiếu, chiếm 91,5% danh mục đầu tư. Báo cáo cuối tháng 2/2021 của quỹ này cũng cho thấy, cổ phiếu Việt Nam chiếm 97% trong khi tiền mặt chiếm 3%.
Không tính tới các cổ phiếu lướt sóng ngắn hạn (bản thân lãnh đạo PYN Elite cũng khẳng định quỹ không chỉ đi theo hình thức đầu tư giá trị), các giao dịch của PYN Elite thời gian gần đây trên chủ yếu là bán ra cổ phiếu.
Ví dụ như với cổ phiếu ELC (Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông), quỹ đầu tư này đã gia tăng lượng sở hữu để trở thành cổ đông lớn tại ELC từ đầu năm 2018. Đầu tháng 3 vừa qua, PYN Elite đã liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu ELC và không còn là cổ đông lớn tại công ty này. Trong khi đó, mức giá ELC hiện tại dù tăng so với vùng đáy hồi tháng 3 năm ngoái nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt tới mức giá giao dịch hồi đầu năm 2018.
Tương tự là GDT (Gỗ Đức Thành). PYN Elite đã là cổ đông tại GDT từ năm 2013 dưới tên Mutual Fund Elite, bắt đầu từ thời điểm quỹ này bắt đầu chuyển hướng đầu tư từ Thái Lan sang thị trường Việt Nam. Nắm giữ sau 1 thời gian dài, cổ phiếu GDT đến nay đã tăng mạnh và giờ hiện đang ở vùng đỉnh lịch sử. Cũng do đó, PYN Elite bắt đầu bán bớt để chốt lời. Từ đầu năm đến nay, PYN Elite đã 3 lần bán bớt cổ phiếu GDT đang sở hữu, lần gần nhất là hôm 8/3 với số lượng bán 45.000 cổ phiếu. Như vậy, sau 3 lần bán tổng cộng 355.000 cổ phiếu, tỷ lệ nắm giữ tại GDT của PYN Elite đã giảm từ 8,01% xuống còn 5,91%.
Hồi đầu tháng 1, PYN Elite cũng liên tục xả cổ phiếu FCN với khối lượng lớn. Chỉ trong 1 tháng, PYN Elite 7 lần bán ra FCN. Sau đợt bán hơn 3,3 triệu cổ phiếu FCN kết thúc ngày 27/1/2021, tỷ lệ sở hữu của quỹ đã giảm từ hơn 16% xuống dới 5% và không còn là cổ đông lớn của Fecon. Tháng 1 cũng là thời điểm quỹ đầu tư Phần Lan này nhả 2 cổ phiếu công ty chứng khoán là VND và BSI, không còn là cổ đông lớn tại 2 doanh nghiệp này.