"Văn hóa xoá sổ" đang ăn mòn kết cấu xã hội, hệ thống quản trị, các giá trị và ngay cả chính linh hồn của xã hội Mỹ. Đó là lý do tại sao nó được gọi là văn hóa "xoá sổ"; văn hoá này đang trở thành một phần của một nền văn hoá tự huỷ hoại mình.
Những kẻ được gọi là "trolls" trên Internet săn đuổi các nạn nhân chỉ để xem liệu họ có thể tự khiến mình đau đớn đến mức nào. Trolls - là những kẻ đăng các thông điệp gây tranh cãi trong một cộng đồng mạng với mục đích gài bẫy chơi khăm để khiến người khác xúc động hay bị kích động mạnh và từ đó có những phản ứng giúp những kẻ này đạt được mục đích giải trí hoặc có động cơ khác. Trolls là một từ chung để mô tả những kẻ tham gia vào văn hoá "xoá sổ"- những kẻ sẽ làm những việc như gửi tin nhắn cho một góa phụ đang đau buồn chỉ để nói với họ rằng chồng họ đáng chết.
Những hành động "troll" đã biến thành việc "xoá sổ" những người hoặc "những mục tiêu" đại diện cho các quan điểm mà những kẻ "trolls" cảm thấy có thể đe dọa chúng hoặc người nào đó theo cảm nhận của chúng.
Internet trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ "trolls" mổ xẻ mọi ngóc ngách cuộc đời của bất kỳ ai không may biến thành "mục tiêu" của chúng – những kẻ này lục lọi email, moi móc các dòng tweet, các cuộc chuyện trò trong tin nhắn trực tuyến, các thông tin đã từng đăng tải và các hình ảnh người đó đã từng chia sẻ nhằm "xoá sổ" họ. Và ngay cả khi những kẻ "troll" không tìm thấy gì thì chúng không chần chừ bịa đặt đủ thứ.
Sau đó, những kẻ độc ác sẽ tung các thông tin đã lấy được lên Internet để thông tin "lây lan" với tốc độ chóng mặt. Những kẻ "trolls" sau đó sẽ đưa ra các yêu sách kiểu như: yêu cầu "mục tiêu" của mình phải từ chức hoặc đóng cửa việc làm ăn. Để đạt mục đích, chúng thậm chí có thể liên hệ với các nhà tuyển dụng yêu cầu họ sa thải các "mục tiêu". Nếu các tổ chức này không nhượng bộ, những kẻ "trolls" sẽ đe dọa hoặc khởi xướng các cuộc tấn công mạng hoặc các chiến dịch tẩy chay. Hầu hết các tổ chức sẽ đều phải nhượng bộ.
Những kẻ "trolls" cũng yêu cầu "mục tiêu" phải công khai xin lỗi vì sự bất cẩn. Khi "mục tiêu" xin lỗi, những kẻ độc ác này lại yêu cầu một lời xin lỗi sâu sắc hơn. Bọn chúng vui mừng khi chứng kiến "mục tiêu" của mình phải cầu xin sự tha thứ để khỏi bị "xoá sổ".
Những kẻ "trolls" hiện không chừa một mục tiêu nào và mục đích hướng đến của bọn chúng luôn luôn là để "xoá sổ": các nhân vật lịch sử, các nhân vật trong truyện tranh, các cuốn sách được yêu thích rộng rãi, tượng đài… chẳng còn thiếu gì.
Văn hoá "xoá sổ" đã được nâng cấp thành một công cụ chính trị. Bất kỳ ứng cử viên nào tranh cử vào các chức vụ chính trị hoặc đang giữ một vị trí dân cử đều có thể bị "xoá sổ"; bất kỳ phóng viên nào đưa tin có lợi cho một ứng cử viên chính trị cũng có thể bị "xoá sổ"; rồi cả việc một ai đó phát biểu trong một cuộc tuần hành cũng có thể khiến những kẻ "trolls" nóng mắt…
Mục đích của văn hoá "xoá sổ" là để đe doạ, sau đó tiến tới loại bỏ các đối thủ chính trị, từ đó khiến phe đối lập tiến hành tự kiểm duyệt. Văn hoá này bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do báo chí – vốn là chân giá trị của một nền dân chủ.
Trong khi đó, những kẻ thực hiện văn hoá "xoá xổ" thì lại hiếm khi phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Những kẻ độc ác không ra mặt, không công khai thừa nhận mục tiêu của mình.
Hãy cùng tìm hiểu xem văn hoá "xoá sổ" trong xã hội Mỹ đã trở nên tồi tệ đến mức nào…
Goya Foods là một công ty thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Latin chuyên sản xuất thực phẩm dành cho người Latin. Chủ tịch của Goya Foods đã từng được cựu Tổng thống Donald Trump mời đến Nhà Trắng để vinh danh doanh nhân Mỹ. Vị chủ tịch này đã "phạm trọng tội" khi phát biểu rằng: nước Mỹ thật vô cùng may mắn khi có Tổng thống Donald Trump.
Những người ôm nỗi thù ghét "thâm căn cố đế", đứng đầu là Dân biểu Ocasio-Cortez, một người Mỹ gốc Latin, lập tức lên mạng kêu gọi tẩy chay Goya Foods trên toàn quốc với hy vọng công ty này phải đóng cửa. Đáp lại, người tiêu dùng kêu gọi nhau đồng lòng cứu Goya Foods, khiến doanh số của công ty tăng vọt. Goya Foods đã bầu Ocasio-Cortez là Nhân viên tiêu biểu của tháng! Rồi một sự thật nữa được người dùng Internet chia sẻ: hoá ra vị Chủ tịch của Goya Foods đã từng được mời đến gặp mặt cựu Tổng thống Barack Obama và ông này cũng từng tuyên bố rất tự hào được gặp ông Obama.
Colin Kapernick là một cựu cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp người da đen. Anh này nổi tiếng với việc từ chối đứng hát quốc ca Mỹ - một nghi thức mà các cầu thủ luôn luôn thực hiện trước mỗi trận đấu. Thay vào đó, anh ta quỳ xuống. Hành động không đứng lên chào cờ, theo anh ta nói là để phản đối sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát nhắm vào người da đen. Sau đó, những cầu thủ khác cũng bắt đầu quỳ xuống trong trong lễ chào cờ trước mỗi trận đấu.
Người hâm mộ bắt đầu tẩy chay các trận đấu để phản đối việc các cầu thủ quỳ gối, phản đối việc chính trị hóa thể thao. Kapernick sau đó bị cấm thi đấu. Nhưng cuộc đời của cầu này vẫn nở hoa: anh ta nhận được một hợp đồng quảng cáo trị giá hàng triệu đô la với Nike. Nike chọn Karrpenick làm gương mặt đại diện cho một mẫu giày mới ra. Lấy đó làm cớ, Kapernick sau đó gây áp lực buộc liên đoàn bóng bầu dục Mỹ phải chi hàng triệu USD cho một dự án công bằng xã hội của mình.
Vụ "xoá sổ" chính trị năm 2018 nhắm vào ông Brett Kavanaugh là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cựu Tổng thống Donald Trump đề cử ông Kavanaugh làm thẩm phán Tòa án Tối cao. Các đảng viên đảng đối lập đã tìm mọi cách để ngăn chặn đề cử này.
Một phụ nữ đứng ra tố cáo ông Kavanaugh đã có hành vi tấn công tình dục bà. Vụ việc được cho là đã xảy ra cách đây 39 năm. Nạn nhân không thể nhớ đã bị tấn công vào năm nào, vụ việc không có nhân chứng, và câu chuyện của bà có rất nhiều điểm không hợp lý. Những kẻ "trolls", mạng xã hội và các phóng viên điều tra ngay lập tức bắt tay vào lục lọi quá khứ của ông Kavanaugh để cố gắng tìm ra bằng chứng buộc tội. Họ thậm chí còn thu được các cuốn kỷ yếu thời trung học của ông Kavanaugh, phỏng vấn bạn bè ông và sau đó tìm mọi cách khiến họ quay lưng lại với ông.
FBI và Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã điều tra và không tìm thấy bằng chứng xác thực chống lại Kavanaugh, và ông được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Tối cao.
Sau khi được bổ nhiệm, ông Kavanaugh hỏi: "Tôi phải đi đâu để lấy lại uy tín của mình?" Văn hoá "xoá sổ" chính là câu trả lời cho ông.
Và đến tận 4 năm sau lễ bổ nhiệm, ông Kavanaugh vẫn bị điều tra, bị dọa giết, gia đình ông bị quấy rối và các chiến dịch bịa đặt thông tin chống lại ông vẫn chưa dừng lại. Ông bị sa thải khỏi công việc giảng dạy tại Trường Luật Harvard. Luật sư của người phụ nữ tố cáo Kavanaugh tuyên bố trên truyền hình quốc gia: "Dù kết cục thế nào, tôi cũng rất vui mừng vì chúng tôi đã làm được một việc là hủy hoại cuộc đời của Brett Kavanaugh!"
Một nạn nhân nữa của văn hoá "xoá sổ" chính là cựu Tổng thống Donald Trump. Hãy tưởng tượng ngay trong một xã hội dân chủ mà các nền tảng truyền thông xã hội có thể "xoá sổ" Tổng thống Mỹ, ngăn cản ông tương tác với người dân. Twitter, Facebook, YouTube… đều góp mặt. Khi một công ty khởi nghiệp nghiêng về cánh hữu, Parler, được thành lập để thúc đẩy tự do ngôn luận và cho phép ông Trump có một kênh truyền thông thay thế, các Big Tech lập tức bắt tay nhau buộc công ty đó ngừng kinh doanh.
Chris Harrison là người dẫn chương trình truyền hình thực tế có tên "The Bachelor" trong suốt 25 mùa - đây là một chương trình hẹn hò trên truyền hình, trong đó 25 phụ nữ sẽ cạnh tranh để giành được trái tim của một chàng trai độc thân. Mục tiêu của chương trình là người trụ lại được đến cuối cùng có thể hẹn hò để kết hôn với anh chàng độc thân đó. Harrison đã phạm một sai lầm khi bảo vệ một nữ thí sinh trước đó đã tham dự một bữa tiệc có liên quan đến chế độ nô lệ trong quá khứ ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Những kẻ "trolls" lập tức yêu cầu Harrison phải xin lỗi. Harrison đã làm vậy. Thế vẫn chưa đủ. Anh cố gắng xin lỗi một lần nữa. Những kẻ trolls tiếp tục lấn tới bằng việc yêu cầu anh phải bị đuổi việc. Cuối cùng, Đài truyền hình ABC sa thải Harrison.
Những kẻ "trolls" táo tợn đang "xoá sổ" lịch sử, văn hóa và các giá trị của nước Mỹ một cách có hệ thống. Đội quân "trolls" không để lỡ thời gian rà soát mọi nguồn kỹ thuật số để tìm bất kỳ mẩu thông tin nào có thể sử dụng làm cái cớ để "xoá sổ" các biểu tượng của nước Mỹ.
Nói đến những biểu tượng nổi bật đã trở thành nạn nhân của văn hoá "xoá sổ" phải kể đến: George Washington - Nhà lập quốc của nước Mỹ; Thomas Jefferson - tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập; Abraham Lincoln - vị cứu tinh của đất nước; Tiến sĩ Suess - Nhà giáo dục thân thuộc của gần như toàn bộ các thế hệ trẻ em Mỹ trong hơn 50 năm qua; Christopher Columbus - người khám phá ra Châu Mỹ, Chuột Mickey, Vịt Donald... Và, những khái niệm, giá trị, tài sản phi vật thể: Chủ nghĩa tư bản, Hiến pháp Mỹ, Quốc kỳ Mỹ, Quốc ca Mỹ, lời cầu nguyện, tôn giáo, toán học, phe bảo thủ, Coca Cola…. Thậm chí đến cả một anh chàng nào đó trên phố có vẻ bề ngoài trông giống như Adolf Hitler.
Liệu có thể làm gì đó để xoá sổ những kẻ xoá sổ hay không? Trong một xã hội dân chủ, không thể làm gì được. Những phát biểu của những kẻ xoá sổ được bảo vệ theo quyền tự do ngôn luận kể cả khi họ đang lấy đi quyền tự do ngôn luận của những người khác.