Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình thành 2 vành đai kinh tế
Trong đồ án lần này, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển và tầm nhìn của Đà Nẵng là phải hướng tới xây dựng TP trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; giữ vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông tin và công nghiệp hỗ trợ. Đồ án cũng đặt mục tiêu, Đà Nẵng phải là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực, quốc tế; là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được giữ vững chắc.
Toàn cảnh trung tâm TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao .Ảnh: THANH HIẾU
Phạm vi quy hoạch của lần điều chỉnh này gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Đà Nẵng, với diện tích hơn 129.000 ha. Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng đạt 1,79 triệu người; trong đó 1,56 triệu dân số thường trú và tạm trú. Cấu trúc đô thị được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái.
Cấu trúc đô thị mới cũng hình thành 2 vành đai kinh tế gồm: vành đai phía Bắc - vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics; vành đai phía Nam - vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồ án sẽ điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm ở quận Hải Châu và Thanh Khê thành phát triển đa cực.
Về du lịch, đồ án lần này sẽ điều chỉnh phát triển du lịch trên toàn TP với trọng tâm bờ Đông là khu vực ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và vịnh Đà Nẵng với các đặc điểm mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thủy. Cùng với đó, TP sẽ phát triển du lịch sinh thái khu vực đồi núi phía Tây, phía Bắc và bán đảo Sơn Trà để tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Mô hình phát triển trong quy hoạch lần này sẽ hình thành các trung tâm phân tán và các khu đô thị. Mỗi khu đô thị phải đáp ứng cơ bản hệ thống cơ sở dịch vụ, công trình phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa cơ sở theo từng cấp độ, phù hợp quy chuẩn, đặc tính văn hóa và nhu cầu của người dân.
Là đô thị hiện đại
Trong thiết kế đô thị, đồ án khuyến khích theo phong cách kiến trúc hiện đại, kiến trúc xanh, công trình có mật độ xây dựng và hình thái phù hợp với bản sắc của từng phân khu. Thiết kế cũng tính đến yếu tố bảo đảm hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, công trình và các hoạt động đô thị. Khi thực hiện đồ án, Đà Nẵng sẽ xây dựng trung tâm đô thị là điểm đến kết hợp giữa hiện đại và các địa điểm văn hóa, lịch sử.
Đối với định hướng quy hoạch về giao thông, riêng lĩnh vực hàng không sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E; là cửa ngõ quốc tế, mở rộng dịch vụ để quy hoạch trở thành trung tâm logistics chuyên dụng.
Về đường sắt, quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và xây dựng đường sắt quốc gia chạy song song về phía Đông đường bộ cao tốc. Bên cạnh đó, theo quy hoạch, TP Đà Nẵng sẽ xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu khách/năm. Khu vực xây dựng nhà ga đường sắt với nút giao đường Bà Nà - Suối Mơ và đường bộ cao tốc gắn với việc hình thành hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ được kỳ vọng là động lực phát triển cho khu vực phía Tây TP.
Về phân kỳ thực hiện, 5 năm đầu tiên (2020-2025), TP sẽ tập trung vào hoàn thiện các dự án đã được phê duyệt và chưa hoàn thành; phát triển các dự án trong khu vực đô thị và trung tâm hiện có, bao gồm phố tài chính và trung tâm kinh doanh thương mại.
Năm năm tiếp theo (2025-2030) là giai đoạn chuyển biển, tái phát triển, tập trung vào các dự án thương mại, văn hóa và du lịch đẳng cấp cao. Trong giai đoạn này, TP sẽ đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng, như mở rộng nhà ga T1, xây dựng nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, cảng biển du lịch Tiên Sa, ga đường sắt mới, hầm qua sân bay, hầm qua sông Hàn, đường sắt đô thị, tái thiết khu vực ga đường sắt cũ... Giai đoạn 2030-2045, TP sẽ tái thiết hoàn chỉnh khu đô thị hiện tại. Những vùng đất dự trữ ở phía Nam và phía Tây cũng được phân vùng để sử dụng phù hợp.
Phát triển theo chiều sâu
KTS-TS Ngô Viết Nam Sơn, người tham gia đóng góp cho đơn vị tư vấn thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng, cho hay đồ án lần này khác với các lần trước là kết hợp giữa quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành. Cách tổ chức thực hiện đồ án của Đà Nẵng cũng đặc biệt ở chỗ có đơn vị tư vấn nước ngoài, có hội đồng tư vấn quốc tế cùng tham gia làm việc với các sở, ban, ngành.
Bên cạnh đó, đồ án lần này còn áp dụng Luật Quy hoạch mới, đặc biệt là nghiên cứu quy hoạch kinh tế - xã hội song song với quy hoạch đô thị nên đã đưa ra những quy hoạch chung sát sườn với nhu cầu phát triển của TP. Ngoài ra, đồ án lần này còn bàn về việc thực hiện quy hoạch sau khi đã được phê duyệt.
Điểm nhấn đặc biệt của đồ án lần này, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, là việc giữ lại sân bay Đà Nẵng và phát triển thành khu đô thị sân bay. Vấn đề này ông cùng một đồng nghiệp người Mỹ đã đưa ra khi tư vấn bản quy hoạch năm 2013 nhưng không được phê duyệt.
"Nếu làm được điều này thì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có đô thị sân bay của cả nước. Đây cũng là xu hướng mới của thế giới. Đô thị sân bay trong tư duy cũ không phù hợp vì quan điểm sân bay phải tách xa đô thị. Còn với tư duy mới, sân bay có thể nằm trong đô thị và phát triển hài hòa, song hành để cùng nhau phát triển" - KTS phân tích.
Điểm nhấn thứ 2, theo ông Sơn, là định hình khu trung tâm mới của Đà Nẵng về phía Đông, tức xây dựng khu cao tầng. "Nên phát triển cụm cao tầng song hành với hệ thống giao thông công cộng để giảm bớt kẹt xe cùng với việc tạo nên các không gian xanh cho đô thị" - ông nhấn mạnh.
Nói về việc thực hiện đồ án quy hoạch trong thời gian tới, ông Sơn cho rằng Đà Nẵng sẽ không phát triển theo chiều rộng nữa mà phải theo chiều sâu. "Thời gian qua, mình đã phát triển nhờ quỹ đất, lấy đất đổi hạ tầng. Đó là phát triển theo chiều rộng. Bây giờ theo chiều sâu có nghĩa là tập trung xây dựng các cụm đô thị đa chức năng, giao thông hiện đại, tiện ích thuận lợi cho người dân. Chúng ta sẽ tổ chức ra những cụm dân cư mật độ cao đi với không gian xanh và tiện ích giúp đời sống văn minh hơn. Điều này cần sự chung tay không chỉ của chính quyền mà còn cả người dân" - ông Sơn nói.
Theo chuyên gia này, phát triển chiều sâu còn xóa bỏ được tình trạng "giành đất để đầu cơ", nhà đầu tư nào không cam kết đạt được dự án, TP sẽ thu hồi để dành đất cho những nhà đầu tư thực sự. "Từ đó, Đà Nẵng sẽ bước qua một giai đoạn mới và có thể xứng tầm với tiềm năng là một đô thị rất quan trọng đóng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" - KTS Sơn nhận định.
(Còn tiếp)
Phải liên kết vùng
Theo KTS-TS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng có lợi thế hơn các đô thị khác là có mặt tiền bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp để phát triển du lịch, có cảng nước sâu để đón tàu lớn. Một đô thị vừa có sông vừa có núi và vừa có biển. Đó là điều đặc biệt mà không phải đô thị nào cũng có. Tuy nhiên, Đà Nẵng lại có bất lợi hơn so với TP HCM là nằm ở miền Trung, trên khu đất hẹp nên dù ở vị trí trung tâm nhưng không thể phát triển theo mô hình đô thị hướng tâm. Do đó, trong tương lai, với vai trò là trung tâm của vùng, Đà Nẵng phải phát triển theo mô hình dạng tuyến tức phải kết hợp với các tỉnh lân cận gồm Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Xem thêm: mth.88515911282301202-gnan-ad-pt-ohc-oa-yaht/et-hnik/nv.moc.dln