Chủ tọa phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Văn Chính, bà Trần Thị Tuyết và ông Lâm Văn Vô là Hội thẩm nhân dân; Thư ký tòa án là bà Lê Thị Thùy Trâm. Đại diện VKS là bà Nguyễn Thị Nhung. Để phục vụ công tác xét xử, tòa cũng đã triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 3 người làm chứng. Trong phiên hòa giải cuối cùng vào ngày 5-3, mâu thuẫn giữa các bên càng trầm trọng khi đại diện bị đơn (Sabeco) không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đề nghị tòa tạm đình chỉ vụ án, chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ động cơ, mục đích của nguyên đơn. Bị đơn cũng yêu cầu triệu tập các phóng viên báo chí từng chứng kiến và đưa tin.
Hơn 2 năm trước, trong bữa tiệc cùng bạn bè tại một quán ăn ở Q.Gò Vấp, trong két bia Sài Gòn đỏ đang uống, ông Du phát hiện một chai chỉ còn 1/4 trong khi còn nguyên nắp, chưa có dấu hiệu cạy mở, tem nhãn đầy đủ và hạn sử dụng đến năm 2019. Sự việc chai bia sai lỗi gặp phải trên bàn nhậu tưởng chừng sẽ dừng lại khi ông Du gọi điện báo cho nhà sản xuất. Ông Du cho biết: "Tôi hơn mười năm sử dụng sản phẩm của bia Sài Gòn vì yêu quý thương hiệu này nhưng khi gặp phải sự cố sản phẩm, tôi hoàn toàn thất vọng về cách ứng xử của nhà sản xuất".
Từ thiện chí góp ý xây dựng để bia Sài Gòn xem lại quy trình sản xuất, khắc phục sự cố để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, ông Du trở thành tội đồ với bao điều tiếng bủa vây và cách hành xử thiếu tôn trọng. Để bảo vệ danh dự của mình và làm rõ sản phẩm sai lỗi ông Du chính thức khởi kiện Sabeco ra tòa. Tháng 1-2019, TAND quận 5 đã thụ lý vụ án. Sản phẩm sai lỗi ông Du gặp phải đã được gửi giám định theo đúng quy định tại Phân viện Khoa học hình sự TPHCM. Trong yêu cầu trưng cầu giám định có nội dung: "Nắp chai bia Sài Gòn đỏ, nhãn hiệu Sài Gòn Export có còn nguyên như sản phẩm mới của nhà sản xuất hay không?". Ngày 21-10-2019, kết luận giám định với chai bia sai lỗi nêu rõ: "Không phát hiện thấy dấu vết thủng, trượt, xước, biến dạng lạ trên nắp chai bia Sài Gòn Export (mẫu giám định). Nắp chai bia Sài Gòn Export (mẫu giám định) có đặc điểm giống với nắp chai bia Sài Gòn Export (mẫu so sánh)".
Sau khi kết luận giám định chai bia sai lỗi là sản phẩm của bia Sài Gòn chứ không phải bia giả, ông Du cũng như những người theo dõi vụ việc đặt ra nhiều giả thuyết về nước trong chai sai lỗi. Theo đó, nước trong chai 1/4 có thể là bia cũ, khách hàng uống chưa hết nhưng công nhân của nhà máy vẫn đưa vào đóng nắp, không qua khâu sục rửa. Hoặc cũng có khả năng, nước trong chai là loại dùng để sục rửa chai... Giả thuyết nào đưa ra thì chai bia sai lỗi đều có vấn đề về chất lượng sản phẩm.
Khởi kiện ban đầu, ông Du yêu cầu Sabeco phải xin lỗi công khai ông với tư cách người tiêu dùng trên 3 số báo liên tục ở 4 tờ báo. Cũng theo luật định, ông buộc Sabeco bồi thường thiệt hại trị giá chai bia là 10.500 đồng và bồi thường tổn thất tinh thần, tương đương 10 tháng lương tối thiểu của khu vực TPHCM, là 39,8 triệu đồng. Sau khi đi những bước đầu pháp lý để bảo vệ mình, vụ việc đến nay kéo dài hơn 2 năm ông Du đã ủy quyền cho luật sư để đi đến cùng sự việc. Hồ sơ khởi kiện đến nay đã được phía nguyên đơn bổ sung nội dung khởi kiện Sabeco đòi bồi thường... 1 triệu USD. Toàn bộ số tiền theo yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn nếu thắng kiện được cam kết chuyển giao cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Việc người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất khi sản phẩm sai lỗi là bài học cảnh báo về văn hóa ứng xử. Văn hóa người Việt rất trọng tình, dễ dàng bỏ qua những điều nhỏ nhặt nếu được tiếp nhận với tinh thần cầu thị, thiện chí. Hơn 2 năm, doanh nghiệp đã đẩy thượng đế của mình vào thế đối đầu thì phiên tòa này dù thắng hay thua, xét về thương hiệu và văn hóa ứng xử chắc chắn Sabeco sẽ bị tổn thất ít nhiều!